Ông Vũ Xuân Thành chia sẻ: “Trong quá trình chuẩn bị cho ASIAD 2014, chúng tôi đã mời 2 chuyên gia Hàn Quốc sang huấn luyện cho đội nam và đội nữ. Theo đánh giá chung, đội nữ được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, tập huấn dài hạn ở Hàn Quốc, thi đấu cọ xát nhiều nhưng cuối cùng chỉ giành 2 HCĐ. Đây là điều đáng buồn”.
Dưới góc nhìn chuyên môn, ông Thành đã lý giải việc các VĐV thi đấu không thành công. Cụ thể, trước đây, taekwondo đánh bằng giáp thường. Nhưng những năm gần đây giáp điện tử, và hầu như không còn yếu tố cảm tính. Các VĐV thắng-thua rất rõ ràng, bằng thực lực.
Tại ASIAD 2014, một số VĐV thi đấu không vượt qua được chính mình (Doãn Thị Hương Giang, Nguyễn Thanh Thảo). Một số khác lại gặp những đối thủ quá mạnh ngay từ đầu như Nguyễn Trọng Cường:
Võ sĩ Nguyễn Trọng Cường (trái) thất bại ở ASIAD do gặp đối thủ quá mạnh của nước chủ nhà ngay từ đầu.
“Tại ASIAD 1994, 1998, lần lượt Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống giành HCV. Nhưng trên hành trình bước lên bục cao nhất không gặp phải những đối thủ mạnh của Hàn Quốc. Bản thân Trần Hiếu Ngân ở Olympic 2000 cũng không gặp VĐV Hàn Quốc trên hành trình giành tấm HCB lịch sử cho TTVN. Còn ở ASIAD 2014, VĐV chủ nhà tham dự rất nhiều hạng cân. Những người thắng VĐV Việt Nam sau đó đều vào chung kết”, ông Thành nói.
Phía trước, lãnh đạo bộ môn taekwondo sẽ tới Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng gặp gỡ các nữ võ sĩ đang tập trung tại đây để cùng tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân vì sao được đầu tư tốt rồi nhưng lại không có được thành tích như ý ở ASIAD 2014:
“Phải khẳng định rằng ngoài một vài VĐV nữ sẽ nghỉ sau ASIAD này, hầu hết số còn lại là những nhân tố chúng tôi định hướng chuẩn bị tới ASIAD 2018. Như Phạm Thị Thu Hiền (sinh năm 1995, HCĐ ASIAD 2014), Trương Thị Kim Tuyền (sinh năm 1997). Thực tế, trình độ của taekwondo Việt Nam lúc này chưa thể so với Hàn Quốc, Iran và một số hạng cân của Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)”, ông Thành bày tỏ.
Nói về việc phát triển “chân đế” taekwondo từ thể thao phong trào, ông Vũ Xuân Thành khẳng định: “Hàng năm, chúng tôi vẫn duy trì giải taekwondo học sinh, sinh viên. Về phong trào, taekwondo có thể nói là mạnh. Các giải trẻ đều thu hút 800-900 VĐV, trong khi các môn khác chỉ có khoảng 200-300.
Tuy nhiên, để phát triển từ VĐV phong trào lên đỉnh cao lại là chuyện khác. VĐV phong trào có thể tập 3 buổi/1 tuần nhưng VĐV đỉnh cao phải tập luyện triền miên, liên tục. Tôi nghĩ, cần phải có thêm nhiều trường năng khiếu thể thao để các em vừa tập luyện, vừa học văn hóa ở đó. Muốn làm được điều này phải xã hội hóa nhiều hơn nữa”.
Ông Thành cũng thừa nhận thực trạng những năm qua, nhiều VĐV đã bỏ nghề giữa chừng: “Một số VĐV trọng điểm có thành tích sẽ phải đi tập huấn, thi đấu nhiều. Trong giai đoạn đó, họ lại đang theo học tại các Trường Đại học TDTT nên phải tạm nghỉ học.
Khi thi đấu trở về phải tự bỏ tiền túi đóng tiền học bù. Hơn nữa, tâm lý nhiều phụ huynh học sinh hiện nay cũng chỉ muốn con mình theo học văn hóa cho tốt đã. Đây là vấn đề không chỉ có taekwondo mà của nhiều môn thể thao khác”.
Video "Vì sao Taekwondo Việt Nam không thành công tại Asiad 17" (Clip theo VTV):