3 ông thầy, 1 chiếc máy đẩy nước và 1 chiếc cốc trên trán
Đầu tiên là chuyện HLV, cùng với thầy Tuấn, Viên còn được kèm cặp bởi hai chuyên gia ngoại hàng đầu. Một phụ trách chuyên môn, một chuyên về thể lực. Cứ đúng giờ, họ có mặt tại bể bơi, thực hiện giáo án đúng đến từng chi tiết nhỏ để làm sao cô học trò đến từ Việt Nam luôn phải nỗ lực tới cùng. Sau mỗi ngày, họ lại kiểm tra thành tích, khả năng chịu đựng của Viên bằng máy móc nhằm có điều chỉnh thích hợp, với điểm mấu chốt là phải đẩy khối lượng vận động lên cao một cách vững chắc.
Để có sức đột phá, Viên đã phải tập thể lực không khác gì một VĐV nhiều môn phối hợp, hết nâng tạ lại chạy đua trên máy. Khắc nghiệt nhất chính là bài tập bơi ngược dòng. Theo đó trên một đường bơi chuyên dụng được máy đẩy nước chảy với tốc độ cực mạnh, tài năng trẻ đất Cần Thơ phải cố gắng bơi ngược cho bằng được. Hồi đầu, có lần Viên còn bị dòng nước hất theo đập đầu đau đến chảy nước mắt.
Riêng việc luyện kỹ thuật bơi với Viên cũng vô cùng kỳ công, với những bài tập tưởng như đơn giản mà siêu khó. Với một chiếc cốc đầy nước đặt trên trán, Viên phải bơi ngửa làm sao để nó không đổ. Cũng phải qua tới nửa năm, kình ngư có chiều cao 1m73 mới có thể làm chủ để chiếc cốc chẳng hề rung rinh trên suốt đường bơi, có nghĩa là cơ thể, kỹ thuật bơi ngửa đã đạt tới độ chuẩn cao độ.
Một bữa ăn thông thường của Ánh Viên với thực đơn gồm rất nhiều món để đảm bảo đủ năng lượng cho việc luyện tập. Ảnh: Trí Sơn
“Nuốt” 5-7 km mỗi ngày
Phía sau những kỳ tích liên tiếp mà kình ngư cao 1m73 này tạo nên, có vô khối câu chuyện lạ đến mức khó tin với mặt bằng chung của TTVN. Ngay một ngày tập bình thường của Viên cũng đã khác biệt hoàn toàn so với các tay bơi trong nước. Đơn giản vì nó theo đúng chuẩn hàng đầu thế giới, và quan trọng nhất, có lẽ cả làng bơi Việt duy nhất chị có đủ khả năng, quyết tâm và sự bền bỉ để theo được.
Kình ngư Ánh Viên chào cờ khi lá quốc kỳ được kéo lên tại lễ trao huy chương SEA Games 28. Ảnh: VSI
Kể từ khi đặt chân sang Mỹ từ 2012, Viên gần như không có một ngày nghỉ. Và sau mỗi buổi tập, nhất là thời gian đầu, cô đã rơi vào tình trạng kiệt sức, chân tay rã rời. Rất may nhờ nền tảng thể lực hiếm có, cùng chế độ dinh dưỡng, y học tốt nên khả năng hồi phục của Viên duy trì tốt. Viên luôn làm chủ được quy trình khắc nghiệt một cách tự nhiên, chứ không gồng mình gắng sức kiểu bị động.
Kinh phí đầu tư bằng 1 phần 6 của Schooling
Tại giải VĐTG 2015, Ánh Viên cùng với Josepth Schooling, người đoạt tấm HCĐ lịch sử cho Singapore ở 100m bướm, đã “cứu thua” cho cả làng bơi Đông Nam Á (ĐNÁ) vốn bị coi là “vùng trũng”. Tất nhiên, so sánh giữa 2 người, thành tích của Viên còn kém xa đàn anh bởi cao nhất mới đứng thứ 10 nội dung 400m hỗn hợp.
Ánh Viên trên bục nhận HCĐ nội dung 400m hỗn hợp tại Cúp thế giới chặng đua ở Paris, Pháp
Mức đầu tư cho Viên, thuộc diện tốn kém nhất của TTVN với tổng số giờ đã trên 7 tỷ đồng, và tiếp tục được tăng lên, thực ra chưa ăn thua gì, khi so với Schooling. Đơn cử mức dự kiến của Viên trong cả năm 2015 mới chỉ 140 nghìn USD, bằng 1 phần 6 khoản 900 nghìn USD mà Schooling nhận được.
Kình ngư Ánh Viên bứt tốc trên đường đua xanh tại SEA Games 28. Ảnh: VSI
Trên đất Mỹ, hiện tại, Ánh Viên đang tập luyện theo một chương trình ổn định gồm 9 đến 12 buổi mỗi tuần, 1-2 buổi tập mỗi ngày, với 1,5 đến 3 giờ mỗi buổi, 20-30 giờ mỗi tuần. Tổng khối lượng bơi tổng cộng hàng tuần của cô từ 35- 70km. Tùy theo các mục tiêu và giai đoạn, nó sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Theo tính toán, để có thể lọt vào tốp 8 trước khi nghĩ tới chuyện phấn đấu tranh chấp huy chương Olympic 2016, tới đây, tổng khối lượng vận động của Viên sẽ còn phải tiếp tục được nâng cao. Hiện Viên đã giành 3 chuẩn A Olympic.