Thể thao người khuyết tật: Tập luyện gian khổ, đãi ngộ bọt bèo

Ngày đăng 23/11/2015 23:49

Đại hội thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 8 sẽ diễn ra tại Singapore từ ngày 3 đến 9/12. Đoàn Việt Nam tham dự gồm 169 thành viên, trong đó gồm 130 VĐV, 24 HLV và săn sóc viên. Ở kỳ này, các VĐV Việt Nam tham gia tranh tài ở 9 môn gồm: điền kinh (37 VĐV), bơi lội (34 VĐV), cử tạ (11 VĐV), cầu lông (11 VĐV), cờ vua (8 VĐV), bóng bàn (12 VĐV), bóng đá khiếm thị (7 VĐV), Boccia (4 VĐV) và đua thuyền (3 VĐV).

Tại cuộc gặp mặt báo chí ra mắt nhà tài trợ Parasport tổ chức hôm qua ở Hà Nội, Trưởng đoàn Vũ Thế Phiệt cho biết, Việt Nam khó tranh thứ hạng trong tốp 3 ở kỳ đại hội lần này. Lý do một phần bởi so về lực lượng, Việt Nam thua xa so với các đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… Mục tiêu của đoàn là phấn đấu phá càng nhiều kỷ lục càng tốt, với số lượng huy chương có thể 60-68 chiếc. Từ ngày 10/9 đến 30/11, các VĐV đã được gọi tập huấn ở 2 trung tâm thể thao quốc gia ở TPHCM và Hà Nội.

Kêu gọi tài trợ

Ông Vũ Thế Phiệt cũng đề cập một thực tế, kinh phí dùng trao thưởng, thưởng “nóng” cho VĐV kỳ này khá eo hẹp. Đại hội lần 7, đoàn nhận được tài trợ khá lớn từ ngân hàng SHB, nhưng tới lần này, hiện mới chỉ 2 đơn vị nhận hỗ trợ tài chính cho các VĐV là Quỹ Tài trợ thể thao Người khuyết tật Việt Nam (Parasport) và nhãn hàng Nestle. “Chúng tôi đang cố gắng vận động để kiếm thêm nguồn tài trợ cho các VĐV. Tuy nhiên, do kinh phí eo hẹp, nên mức cụ thể như thế nào, hiện chúng tôi chưa dám chắc”, ông Phiệt cho biết.

Chủ tịch Hiệp hội Thể thao Người khuyết tật, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn cho biết, thực tế việc huy động tài trợ cho thể thao người khuyết tật rất khó khăn. Quá trình tập luyện của các VĐV gian khổ, nhưng chế độ, tiền thưởng thành tích thì không bao nhiêu.

“Trái gió trở trời chút là cơ bắp có thể đau nhức, sinh hoạt cũng đã vất vả chứ chưa nói đến chuyện luyện tập. Vì vậy, VĐV để theo đuổi tập luyện thể thao được phải rất nỗ lực. Doanh nghiệp khi tài trợ cũng cần được đảm bảo lợi ích của họ, nhưng VĐV người khuyết tật thì biết lấy gì để “trả”?”, ông Tuấn nói, đồng thời mong truyền thông hỗ trợ để “kéo” tài trợ cho các VĐV.

Trong 2 đơn vị tài trợ nói trên, Quỹ Parasport cung cấp gói tài trợ tổng trị giá 150 triệu đồng. Khoản tiền này cũng chỉ gói gọn cho các hoạt động từ Lễ xuất quân tại TPHCM, hoạt động truyền thông đại chúng và giải thưởng cho các VĐV đạt thành tích ở 3 môn Parasport đầu tư gồm cử tạ, bơi lội và điền kinh. VĐV các môn khác hiện chưa có thêm khoản nào, ngoài chế độ của ngành.

Được biết, Parasport là 1 thành viên của Quỹ tài trợ Thể thao Người khuyết tật Liên bang Nga của tỷ phú Oleg Boyko, người giàu thứ 69 của Nga với tổng tài sản 1,4 tỷ USD tại thời điểm tháng 3/2013 theo thống kê của tạp chí Forbes. Theo ông Phạm Văn Tuấn, đây là quỹ phi lợi nhuận, và tỷ phú Oleg Boyko phải sử dụng xe lăn.

Bà Huỳnh Thanh Tuyền, Chủ tịch Parasport, hôm qua cho hay, Parasport mới ký hợp đồng tài trợ 1 năm với Hiệp hội Thể thao Người khuyết tật Việt Nam, nhưng muốn được gắn bó lâu hơn. “Ở Việt Nam, chúng tôi có cảm giác thể thao người khuyết tật chưa được quan tâm nhiều. Trong khi trên thế giới, do ý nghĩa nhân văn, người ta đặc biệt chú trọng chăm lo cho các VĐV”, bà Tuyền nói.