Một chia sẻ rất gai góc, khác hẳn với cái vẻ hiền hiền, lành lành mà khi mới tiếp xúc, nhà cầm quân người Pháp để lại cho những người xung quanh.
Những thất bại liên tiếp
Ghét thất bại, nhưng kể từ khi cầm ĐT U.19 Việt Nam và CLB Hoàng Anh Gia Lai, Graechen đã phải hứng chịu những thất bại không dễ gì nuốt trôi. Đầu tiên là thất bại của U.19 Việt Nam ở chung kết giải U.19 Đông Nam Á năm 2013 trên đất Indonesia - giải đấu mà nói như Graechen thì: "Chúng tôi lần đầu tiên trình làng, và vừa đá vừa khám phá chính bản thân mình". Trận chung kết ấy các học trò của Graechen thua đau trên chấm 11m và Graechen từng lý giải: "Chúng tôi thất bại không phải vì đối phương quá mạnh, mà vì họ chơi bóng quá xấu".
Có một chi tiết ít người biết là ngay ở sân bay Indonesia sau trận thua ấy, một nhân vật có vai trò đặc biệt với ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã đặt ra những câu hỏi về năng lực huấn luyện của Graechen. Trong một lần trò chuyện với người viết, vị này phân tích: "Đã đành đối phương đá quá xấu, nhưng cứ xem kỹ tất cả các trận Graechen cầm quân sẽ thấy là U.19 Việt Nam chỉ biết đá theo đúng một bài". Tuy nhiên cái thuận của Graechen là đã được bầu Đức đặc biệt tin tưởng nên những ý kiến phản biện kiểu như vậy đã lập tức được cho qua.
Nếu ở chung kết giải U.19 Đông Nam Á 2013, Graechen thất bại vì "đối phương đá xấu" thì đến chung kết giải U.22 Đông Nam Á 2014 ông lại thất bại vì "đối phương giỏi hơn mình". Trước trận chung kết ấy Graechen tự tin tuyên bố sẽ chiến thắng, và sẽ làm tất cả để thắng, nhưng thực sự là một U.19 Việt Nam duy mĩ đã không thể thắng nổi một U.19 Myanmar chơi thứ bóng đá hiện đại và hiệu quả. "Tôi cực kỳ thất vọng sau trận thua đó. Anh có tin được không, tôi đã cắt đứt mọi mối quan hệ với thế giới xung quanh sau đó vài ngày?" - Graechen nhớ lại.
Sau giải đó không lâu thì U.19 Việt Nam lại vào chung kết giải U.19 Đông Nam Á mở rộng 2014, và đấy tiếp tục là một trận chung kết Graechen tuyên bố "quyết thắng". Thế nhưng rốt cuộc đấy lại là 90 phút mà những Công Phượng, Xuân Trường thất thủ 0-1 trước U.19 Nhật Bản vốn chỉ tung ra đội hình hai. Hình ảnh Graechen bực bội đấm tay vào cabin huấn luyện sau trận đấu ấy đã nói lên tất cả. Nó nói lên sự bực tức cao độ của một người ghét thất bại nhưng đã phải đối diện với thất bại ở trận chung kết thứ ba.
Đấy là chuyện ở ĐT U.19, còn ở phương diện CLB, Graechen cùng các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai cũng phải hứng chịu 3 thất bại liên tiếp ở trận đồ V.League. Nếu để ý sẽ thấy, sau thất bại đầu tiên trước Đồng Tâm Long An người đàn ông này thừa nhận các cầu thủ thi đấu thiếu sáng tạo, sau trận thất bại thứ hai trước Thanh Hoá ông thừa nhận các cầu thủ không giữ được sự tập trung cần thiết thì đến thất bại thứ ba trên sân Hải Phòng ông không quên kêu gọi truyền thông, người hâm mộ hãy để cho những cầu thủ - những đứa con của mình một khoảng không gian trong lành.
Có nghĩa, khác hẳn so với lần "cách ly thế giới" ở giải U.22 Đông Nam Á, cũng khác hẳn so với lần đấm tay vào cabin huấn luyện ở giải U.19 Đông Nam Á, sau 3 thất bại liên tiếp kể trên, Graechen điềm đạm, bình tĩnh hơn rất nhiều. Rõ ràng đã có một thay đổi rất lớn ở ông. Mà cũng dễ hiểu thôi, bởi một đội bóng trẻ đá ở một giải trẻ khác hẳn so với một đội bóng trẻ đá ở một giải đấu "cáo già" như V.League. Graechen đủ tỉnh táo để biết nếu cứ phản ứng mạnh mẽ như khi thất bại ở các giải trẻ thì ở sân chơi V.League, quân ông còn thất bại nhiều hơn.
Những điểm sáng
Ở phương diện quốc tế, sau 3 thất bại ở 3 trận chung kết ở U.19 Việt Nam thì Graechen đã có chiếc cúp đầu tiên với U.19 Hoàng Anh Gia Lai trong khuôn khổ giải U.21 quốc tế Báo Thanh niên 2014. So với những giải đấu trước đó như giải U.19 hay U.22 Đông Nam Á, giải U.21 quốc tế Báo Thanh niên không thể tầm cỡ và có tiếng vang tương tự, nhưng đó là giải đấu hết sức quan trọng, vì nó giúp thầy trò Graechen giải tỏa tâm lý. Mà có lẽ còn cao hơn cả cảm giác giải tỏa, nhớ lại những gì diễn ra với thầy trò Hoàng Anh sau trận chung kết này, dễ thấy là ở họ xuất hiện một trạng thái bay bổng không giấu đi đâu được.
Sự bay bổng tiếp tục lặp lại ở vòng 1 V.League năm nay, khi Hoàng Anh đả bại tân binh Khánh Hòa đến 4-2 trên sân Pleiku của mình. Sau trận đấu này Graechen đã dành những mỹ từ đẹp nhất dành cho Công Phượng và đã say sưa nói về việc: "Rất may chúng tôi không phải đối đầu với một tiền đạo như Công Phượng".
Đây chính là một biểu hiện tự nhiên thái quá của Graechen chăng, bởi như đã nói ở trên, sang đến vòng 4 V.League thì chính ông lại phải đề nghị báo chí, dư luận đừng dồn quá nhiều áp lực lên Công Phượng? Và sang đến vòng 5 V.League, khi Hoàng Anh tìm được chiến thắng trước Đà Nẵng, chặn đứng chuỗi 270 phút bại binh thì Graechen đã hạ giọng đi rất nhiều. Ông thậm chí chỉ nói nhiều đến công tác trọng tài và những tình huống gây tranh cãi mà HLV Lê Huỳnh Đức phía bên kia chiến tuyến đặt ra.
Bên cạnh những thay đổi về cách ứng xử với mỗi thất bại, về cách phát ngôn mỗi khi chiến thắng, Graechen cũng đã có những thay đổi rất quan trọng về tư tưởng cầm quân. Nếu ở những buổi đầu tiên cầm quân đánh trận Graechen lập trình các cầu thủ U.19 Việt Nam như một cái máy tấn công, và cứ miệt mài tấn công từ phút đầu tiên đến phút cuối cùng thì sau này cái đội U.19 ấy đã biết phòng ngự nhiều hơn. Và với Hoàng Anh Gia Lai bây giờ cũng thế, ở trận thắng mới nhất trước Đà Nẵng người ta đã nhìn thấy hình ảnh một Hoàng Anh biết đá chậm và biết "câu giờ hợp lý" để bảo toàn cách biệt mong manh.
Có một thay đổi nhân sự mang tính bước ngoặt trong chiến thắng này, đó là khi Graechen rút một trung vệ nội và tung vào sân một trung vệ ngoại trong khoảng 15 phút cuối - một sự thay đổi mà trước đó ông chưa từng thực hiện. Và thực tế sân bãi cho thấy nếu không có thể hình, thể lực, kinh nghiệm cùng khả năng càn lướt của trung vệ này, hàng thủ Hoàng Anh với những cầu thủ mỏng cơm hoàn toàn có thể bị đánh sập trước lối chơi tấn công - tạt bổng mang đậm sắc màu thể lực của đối phương.
Tương lai màu gì?
Như đã nói Graechen là một người ghét thất bại. Thật ra thì trên đời này ai cũng sẽ ghét thất bại, nhưng vấn đề là con người ta cần phải nhìn vào những thất bại để chỉnh sửa những điều chưa hoàn thiện của mình. Nhìn lại cả một chuỗi trận dụng binh từ ĐT U.19 đến CLB Hoàng Anh Gia Lai thời gian vừa qua có thể nhận ra những sự thay đổi theo chiều hướng tích cực ở Graechen. Nói một cách khác thì cùng với chính những học trò của mình, bản thân Graechen cũng không ngừng vận động, không ngừng chuyển biến theo dòng thời gian. Đấy là lý do mà những fan hâm mộ Hoàng Anh Gia Lai có quyền tin tưởng với Graechen có thể tương lai sẽ là một gam màu sáng láng.
Và nếu tương lai ấy có thật, khả năng người đàn ông này sẽ phải nói câu: Tôi ghét thất bại, nhưng tôi cảm ơn thất bại, vì với nó tôi đã "ngộ" ra chính mình?
Sự "điên rồ" ít đi?
Trận đấu đầu tiên của U.19 Việt Nam tại giải U.19 Đông Nam Á 2014, khi Công Phượng một mình đi bóng qua 5 cầu thủ Australia để ghi bàn mang về chiến thắng sít sao thì Guillame Graechen đã bảo: "Tôi đề nghị Công Phượng phải thi đấu "điên rồ" để tạo nên đột biến. Ở hai trận đấu đầu tiên tại V.League năm nay không hiểu Graechen còn yêu cầu Công Phượng "điên rồ" nữa không nhưng quả nhiên là Phượng vẫn rất ham cầm bóng, đi bóng, và từng ghi được 1 bàn thắng sau một pha đi bóng qua cả rừng hậu vệ Khánh Hòa. Tuy nhiên, đến vòng đấu thứ 3, thứ 4, rồi thứ 5 những pha đi bóng và tư tưởng chơi bóng "điên rồ" như vậy ngày một ít đi. Có lẽ sự sống khắc nghiệt ở V.League khiến Phượng và thầy của Phượng hiểu rằng những pha bóng như thế rất có thể sẽ khiến mình... chuốc hoạ vào thân?
Có thể chỉ cần nhìn vào những thay đổi nho nhỏ của Công Phượng người ta cũng có thể "ngửi" ra những thay đổi trong triết lý và tư tưởng cầm quân của Graechen? Và những thay đổi đó phải chăng cũng chính là hành trình tất yếu mà một "chuyên gia gõ đầu trẻ" phải đi qua khi thử sức mình ở vị trí mới: vị trí cầm quân đánh trận?