Kỳ 4: Nhìn lại quá khứ
Người Nhật từng có những VĐV đạt thành tích cao nhất ở các kỳ Olympic, mà gần đây nhất là việc Yuzuru Hanyu đoạt HCV môn trượt băng nghệ thuật tại Olympic Mùa đông vừa diễn ra hồi đầu năm tại Sochi.
Chắc chắn chiếc HLV Olympic là điều đáng giá hơn chức á quân tại một giải Gran Slam, nhưng nhiều người Nhật nhìn thành tích của Nishikori theo một lăng kính khác: đó chính là khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của quần vợt Nhật.
Nishikori (bên phải) là nhân tố giúp người Nhật Bản yêu thích tennis hơn
Buổi sáng diễn ra trận chung kết US Open 2014, các ga xe điện ngầm tại những thành phố lớn ở Nhật vắng hẳn người. Rõ ràng, người Nhật sẵn sàng đến chỗ làm muộn hơn dù họ là dân tộc tôn trọng kỷ luật lao động bậc nhất thế giới.
Ngay cả Thủ tướng Shinzo Abe cũng hết sức quan tâm đến trận đấu này. Ông nói: “Đúng là không ai dám nghĩ đến việc một người Nhật có mặt ở trận chung kết. Nishikori vẫn còn trẻ và tôi hy vọng anh ấy sẽ tiếp tục thể hiện mọi nỗ lực của mình trong tương lai”.
Chưa tay vợt Nhật nào làm được điều Nishikori vừa làm dù trước đó Zenzo Shimizu, Ichiya Kumagae, Jiro Sato, Kazuko Sawamatsu và Kimiko Date-Krumm từng vào đến trận bán kết Grand Slam. Trong số đó, thành tích của Zenzo Shimizu là đáng nói nhất.
Ông là người Nhật đầu tiên vào đến trận bán kết Wimbledon năm 1920, khi giải này còn theo thể thức thi đấu đặc biệt: Các tay vợt phải thi đấu từ đầu để giành quyền vào trận chung kết, nơi đó người vào sâu nhất sẽ phải gặp tay vợt đương kim vô địch, người chỉ đấu một trận trong toàn giải.
Shimizu thua sít sao tay vợt Mỹ Bill Tilden, người sau đó thắng ĐKVĐ người Úc Gerald Patterson để lần đầu vô địch một Grand Slam trong tổng số 10 danh hiệu mà ông đoạt được trong một sự nghiệp rực rỡ. Tuy nhiên, trận đấu đó đã báo hiệu tương lai xán lạn của Shimizu.
Người Nhật thành lập Liên đoàn Quốc vợt quốc gia ngay sau kỳ giải Wimbledon đó, vừa kịp để đội tuyển nước này dự giải Davis Cup năm kế đó với chỉ 2 VĐV là Shimizu và Ichiya Kumagae. Kamagae là một nhân viên ngân hàng làm việc ở Mỹ nên quần vợt chỉ là nghề “tay trái”, nhưng ông từng được tờ New York Times cho là “tay vợt hay nhất nước Mỹ” lúc đó. Kamagae cũng đã đoạt HCB cả 2 nội dung đơn và đôi tại kỳ Olympic 1920.
Bộ đôi này toàn thắng trong các trận gặp Philippines, Bỉ, Ấn Độ và Úc trước khi thua đội Mỹ trong trận chung kết. Từ đó quần vợt Nhật luôn được xem là mạnh nhất châu Á với trình độ đạt tầm thế giới.
Cho đến nay, đó vẫn còn là thành tích tốt nhất của quần vợt Nhật tại Davis Cup, giải đấu được xem là vô địch thế giới. Thành tích đó sau này được nhiều người cho là có tác dụng lớn trong việc tôn cao niềm tự hào của dân tộc Nhật trong nhiều lĩnh vực chứ không chỉ riêng ở môn quần vợt. Một tờ báo Nhật lúc đó đã viết: “Quần vợt làm được điều mà nhiều nhà ngoại giao Nhật đã không làm được”.
Shimizu và Ichiya Kumagae liên tục chiến thắng tại các giải mà họ tham dự. Sau đó, đội tuyển Nhật có thêm tay vợt trẻ Jiro Sato, người đã giành được quyền có mặt tổng cộng 5 trận bán kết các giải Grand Slam chỉ trong vòng 2 năm.
Sau khi Sato thắng những huyền thoại Jack Crawford và Fred Perry, người Nhật tìn chắc rằng trước sau gì, anh cũng đoạt được một Grand Slam. Nhưng thật đáng tiếc, cho đến khi giải nghệ, đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của Sato vẫn chỉ là bán kết.
Đáng nói hơn là cuộc đời của Jiro Sata đã kết thúc một cách bi thảm. Khi trở về sau lần dự Davis Cup năm 1934 thất bại, ông đã từ bong tàu lao xuống biển tự tử, để lại lá thư tuyệt mệnh, nói rằng ông vô cùng hổ thẹn vì đã làm hoen ố thanh danh của nước Nhật.
* Mời các bạn đón đọc kỳ cuối vào sáng 19/9.