Há miệng chờ sung
Nghịch lý là tại Giải trẻ toàn quốc 2015, taekwondo đã khiến các môn khác phải choáng vì có tới gần 900 võ sĩ của 39 đoàn tranh tài. Đây là con số kỷ lục ở một cuộc đấu trẻ tầm quốc gia, và nó còn lớn hơn nhiều nếu Ban tổ chức không khống chế. Nhưng tới giải VĐQG 2015 lại chỉ có 270 võ sĩ của 29 đoàn dự tranh với quá ít thu hoạch về chuyên môn.
Về vấn đề này, ông Vũ Xuân Thành – Trưởng bộ môn taekwondo Tổng cục TDTT bày tỏ: “Phong trào taekwondo trong học sinh, sinh viên, các giải trẻ lâu nay vẫn rất mạnh. Tuy nhiên, để phát triển từ vận động viên (VĐV) phong trào lên đỉnh cao lại là chuyện khác. VĐV phong trào có thể tập 3 buổi/1 tuần nhưng VĐV đỉnh cao phải tập luyện triền miên, liên tục.
Tâm lý nhiều phụ huynh học sinh hiện nay lại chỉ muốn con mình theo học văn hóa cho tốt. Đây là vấn đề không chỉ ở taekwondo mà của nhiều môn thể thao khác. Tôi nghĩ, cần phải có thêm nhiều trường năng khiếu thể thao để các em vừa tập luyện, vừa học văn hóa ở đó. Muốn làm được điều này phải xã hội hóa nhiều hơn nữa”.
Nữ võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền (trái) là điểm sáng hiếm hoi của taekwondo Việt Nam thời điểm này
Thiếu VĐV mũi nhọn tài năng, đội tuyển taekwondo Việt Nam đang chuẩn bị cho Olympic 2016 trong tình thế hết sức khó khăn. Các “nữ tướng” từng giành 4/5 HCV cho taekwondo Việt Nam tại SEA Games 2015 (Singapore) được đặt nhiều niềm tin.
Nhưng rất khó có ai đủ trình độ cầm chắc một suất chính thức tới Brazil vào năm sau: “Tháng 12 tới, các VĐV Hàn Quốc sẽ sang Việt Nam thi đấu, giúp VĐV của ta cải thiện trình độ chuyên môn. Các giải đấu tích điểm, vòng loại tuyển chọn sẽ diễn ra từ đầu năm 2016. Ngoài nỗ lực của tự thân VĐV còn phải trông chờ vào yêu tố may mắn từ những lá thăm” - huấn luyện viên (HLV) đội tuyểntaekwondo nữ Việt Nam Vũ Anh Tuấn nhận định.
Đành trông vào “tre già”
Đến giờ, chưa ai quên trong hành trình chuẩn bị cho Olympic London 2012, taekwondo Việt Nam có 2 đại diện giành vé chính thức là Lê Huỳnh Châu (58kg nam) và Chu Hoàng Diệu Linh (67kg nữ). Nhưng cả hai đều tỏ ra quá thua sút trước các đối thủ đẳng cấp. Lúc này, taekwondo Việt Nam cũng chỉ biết dựa vào các cựu binh đã qua thời sung mãn như Nguyễn Trọng Cường, Hà Thị Nguyên. Hai gương mặt Phạm Thị Thu Hiền (20 tuổi HCĐ ASIAD 2014) và Trương Thị Kim Tuyền (18 tuổi, HCV SEA Games 2015) được nhắc đến như những điểm sáng hiếm hoi.
Đây là một điều đáng buồn, thậm chí là đáng xấu hổ bởi trong quá khứ, taekwondo Việt Nam từng giành những tấm HCV ASIAD 1994 (Trần Quang Hạ), ASIAD 1998 (Hồ Nhất Thống), HCB Olympic 2000 (Trần Hiếu Ngân). Khoảng 15 năm qua, các võ sĩ cùng lắm chỉ vươn tới HCB ASIAD như Huyền Diệu, Vương Duy, Tấn Đạt, Văn Hùng (2002); Hà Giang (2006), Hoài Thu (2006, 2010).
Gần nhất, ở ASIAD 2014, taekwondo Việt Nam chỉ có nổi 2 HCĐ (Hà Thị Nguyên, Thu Hiền). Nỗi đau còn lớn hơn khi cách đây không lâu, taekwondo Việt Nam bị tước quyền đăng cai giải vô địch quyền thế giới 2015 bởi Liên đoàn không kiếm nổi 100 nghìn USD nộp tiền lệ phí (?!).
Ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT thừa nhận: “Trước đây chúng ta kỳ vọng nhiều vào taekwondo, nhưng bây giờ khác rồi. 5 môn thể thao được chúng tôi xếp loại 1, tấn công vào ASIAD, Olympic là bơi, điền kinh, bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ”.
"Sở dĩ giải VĐQG năm nay không phát hiện được những nhân tố mới vì giới hạn độ tuổi. Chỉ những VĐV 17 tuổi trở lên mới được thi đấu nên các em trẻ không có cơ hội thể hiện mình”. HLV Vũ Anh Tuấn |