Năm 1976, giới công nghệ thông tin sẽ nhớ đó là cái năm mà Steve Jobs và Steve Wozniak thành lập ra Apple, giới thiên văn học sẽ nhớ đó là năm mà NASA đã gửi vào vũ trụ những thông điệp của loài người. Và giới túc cầu không quên đấy là năm sản sinh ra nhiều thiên tài bóng đá xuất chúng của lịch sử, mà một trong số đó là Shevchenko.
Một cậu bé 10 tuổi, một tay ôm quả bóng, một tay cầm túi đồ phụ bố mẹ, trong đoàn người lặng lẽ bước đi di tản. Thảm họa Chernobyl vào tháng 4/1986 đã khiến cả làng bị ảnh hưởng, các gia đình phải rời bỏ nhà cửa, di cư đi nơi khác.
Cậu bé cũng từ bỏ quyền Anh để đến với bóng đá. Sau khi thi rớt trong lần tuyển dụng đầu tiên, cậu bé được để mắt ở giải thiếu niên, được Dynamo Kiev tuyển mộ và trở thành người học trò xuất sắc của Valeriy Vasylyovych Lobanovsky vĩ đại. Đó là Andriy Shevchenko của tuổi thơ đi lên từ nghịch cảnh.
Nou Camp, tháng 10/1997, Dynamo Kiev gặp Barcelona trong khuôn khổ vòng bảng Champions League. Một chàng trai 21 tuổi với khuôn mặt non choẹt, lập hat-trick ngay trong hiệp một, giúp Dynamo Kiev đánh bại Barcelona với tỷ số 4-0.
Một năm sau, cũng anh chàng trẻ măng ấy, lập thêm cú hat-trick nữa, lần này là vào lưới… Real Madrid. Ghi sáu bàn vào lưới của hai đội bóng khổng lồ ở Tây Ban Nha, đó chính là cách Shevchenko xuất hiện trên bầu trời bóng đá vốn đầy rẫy vì tinh tú lúc ấy. Ngay từ đó, tất cả đã biết anh sẽ làm nên những điều kỳ diệu. Và AC Milan bỏ ra 25 triệu đôla để đưa chàng trai ấy về San Siro.
Một hình ảnh mới chỉ như hôm qua thôi: Shevchenko bước xuống sân bay quốc tế Malpensa, nở nụ cười ngượng nghịu chào tất cả. Anh khoác lên màu áo đỏ đen, và trở thành Vua phá lưới ngay mùa đầu tiên có mặt tại đất nước hình chiếc ủng. Với khuôn mặt ngây thơ, và nụ cười hiền lành, anh ghi 24 bàn ở mùa đầu tiên bằng một lối chơi linh hoạt và bản năng săn bàn nhạy bén.
Những bàn thắng thể hiện sự toàn diện - không chỉ chơi tốt cả hai chân, mà còn đánh đầu giỏi và sở hữu kỹ thuật lừa bóng qua người trong phạm vi hẹp của một sát thủ hàng đầu. Anh gần như tiêu diệt tất cả các thủ môn ở Italy.
Và Inter, trong những năm tháng phải đối đầu với Sheva ở Derby Milano, là nạn nhân đáng thương nhất của anh. Sheva đạt cột mốc 173 bàn, trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thứ hai trong lịch sử đội bóng sọc đỏ đen, chỉ sau Gunnar Nordahl.
Bên cạnh những vinh quang trên sân cỏ, Sheva còn nhận được những ưu ái đặc biệt. Thủ tướng Italy thời điểm ấy, Silvio Berlusconi đồng thời cũng là Chủ tịch của AC Milan xem ngôi sao sinh cùng ngày cùng tháng với ông như người con trong gia đình.
Nhà tài phiệt này cũng là người cha đỡ đầu của cậu bé Jordan Shevchenko sau này. Ngày Sheva muốn rời Italy, Chủ tịch Milan đã tìm cách níu giữ. Những cánh thư tới tấp gửi về, những lời nhắn, những lời tâm sự khiến Sheva không khỏi cảm động. Vậy nhưng, anh vẫn ra đi.
Trong bức thư chia tay Milan, anh viết: "Tôi hiểu sự thất vọng, nỗi buồn của các bạn nhưng hãy chấp nhận quyết định của tôi như một phần của cuộc sống". Đã là cuộc sống, thì luôn có đau buồn. Khi anh bảo các Milanisti phải chấp nhận điều ấy, là anh đã khiến họ phải chịu đựng sự tàn nhẫn nhất, vì họ đã yêu anh biết bao nhiêu.
Thế giới hào nhoáng bên kia biển Manche đón anh đến, không phải là ánh nắng vàng Địa Trung Hải, mà là khí lạnh sương mù, lạnh lẽo như chính Sheva những năm tháng trên đất Anh. Shevchenko không còn ghi bàn nhiều nữa, khuôn mặt đẹp của anh ít cười hơn. Khi anh ngồi trên ghế dự bị của Chelsea nhìn Drogba tỏa sáng, ai cũng chờ đợi Sheva trở lại. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra.
Ngay cả khi quay về Italy, khoác lại chiếc áo Milan, anh cũng chỉ còn cái tên. Một Shvechenko vật vờ như chiếc bóng trên sân khiến các tifosi không khỏi chạnh lòng. Rồi anh lại chia tay, để trở về quê hương trong màu áo Dynamo Kiev năm nào.
Nhưng không bao giờ là Shevchenko của 173 bàn thắng tại Serie A nữa. Anh đã để lại cả linh hồn ở San Siro mùa hè 2006. Anh để lại đó cả những kỷ niệm đẹp, cái đẹp không phải vì vui hay buồn mà vì ra đi chẳng bao giờ trở lại.
Ngày 11/6/2012, Ukraina gặp Thụy Điển trong khuôn khổ bảng D vòng chung kết Euro 2012. Sheva ghi hai bàn giúp Ukraina giành chiến thắng trước Thụy Điển với tỷ số 2-1. Người ghi bàn bên phía Thụy Điển là Zlatan Ibrahimovic.
Thời điểm ấy, Ibra là Vua phá lưới Serie A, cầu thủ quan trọng nhất trong hành trình AC Milan giành Scudetto thứ 18, còn Shevchenko chỉ là quá khứ. Nhưng sau trận đấu, các tifosi Milan vẫn gọi tên Sheva với tất cả sự yêu mến như cái thuở đầu tiên anh ghi bàn trên San Siro lộng gió.
Có những cầu thủ khiến các tifosi phải yêu và buồn bã khi chia tay, bởi bàn thắng của họ không chỉ mang lại điểm số, mà còn gieo cả xúc cảm và những đam mê sâu xa vào trong đó. Shevchenko là một cầu thủ như thế.