Võ sư Nguyễn Lộc sinh ngày 8 tháng Tư năm Nhâm Tý (tức ngày 24.5.1912) tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Sau một thời gian dài rèn luyện nhiều môn võ. Ông đã nghiên cứu, phân tích đặc điểm kỹ thuật của từng môn, đặc biệt là các môn võ và vật cổ truyền Việt Nam để đi tới sáng tạo một hệ thống kỹ thuật võ học mới với tên gọi buổi đầu là Võ Việt Nam (còn được gọi là Việt võ đạo). Võ đạo của Vovinam còn được xem như một nhân cách sống hay một triết lý làm người.
Một môn sinh Võ Việt Nam với tư cách cá nhân có thể rất hiền lành, nhã nhặn, song khi bắt buộc mang danh nghĩa dân tộc và môn phái chiến đấu với ai thì chỉ có thể hoặc chiến thắng vinh quang hoặc chết vẻ vang chứ không chịu làm nhục quốc thể và tổn thương danh dự môn phái.
Đòn đá kẹp cổ - “độc chiêu huyền thoại” của môn Vovinam được võ sinh nước ngoài thể hiện.
Với luận cứ đó, ông đã lấy môn vật và võ cổ truyền Việt Nam làm nòng cốt, khai thác mọi tinh hoa võ thuật đã có trên thế giới để sáng tạo thành môn phái riêng đạt tên là Võ Việt Nam. Ông bí mật đem Vovinam ra huấn luyện cho một số thân hữu cùng lứa tuổi vào năm 1936.
Năm 1938, môn võ này bắt đầu truyền thụ tại Hà Nội, do võ sư Nguyễn Lộc đích thân huấn luyện. Một năm sau (1939), môn võ đã được nhiều giới biết tới. Hội Thân hữu Thể dục Hà Nội của bác sĩ Đặng Vũ Hỷ chính thức mời võ sư Nguyễn Lộc cộng tác để mở các lớp dạy võ công khai.
Mùa Thu 1939, ông đem lớp võ sinh đầu tiên công khai ra mắt dân chúng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Cuộc biểu diễn thành công rực rỡ, nên bác sĩ Đặng Vũ Hỷ mời ông cộng tác, tổ chức những lớp dạy võ công khai cho thanh niên Hà Nội.
Sáng tổ Vovinam- Võ sư Nguyễn Lộc
Nhận lời mời, ông khai giảng lớp võ đầu tiên vào mùa xuân năm 1940 tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội (École Normal). Lúc này, thể theo yêu cầu của đông đảo môn sinh, môn Võ Việt Nam được viết tắt là Vovinam có nhiều lớp võ liên tiếp được mở ra. Môn sinh Vovinam thời đó rất tiến bộ nhờ phương pháp huấn luyện tinh vi và khoa học, nêu cao tinh thần đạo đức dân tộc sáng chói của môn phái.
Sự phát triển của Vovinam đã khiến nhà cầm quyền Pháp e ngại và đã ra lệnh cấm không cho võ sư Nguyễn Lộc truyền dạy. Lệnh cấm này là một hàng rào ngăn chặn sự mở rộng môn phái nhưng lại có tác dụng thúc đẩy toàn thể môn sinh quyết tâm hơn trong ý hướng trường tồn môn phái.
Trong thời gian bị nhà cầm quyền Pháp ngăn cấm, ông Đặng Vũ Kính sử dụng quyền bất khả xâm phạm của một nghị viên đã đứng ra che chở, bảo vệ các môn sinh Việt Võ Đạo, nhờ vậy mà các lớp võ bí mật vẫn được tổ chức và kéo dài hoạt động cho tới khi chế độ thực dân Pháp bị phát xít Nhật thay thế cai trị Việt Nam.
Hiện Vovinam Việt Võ Đạo đã có mặt ở khắp các châu lục trên toàn thế giới, thu hút ngày càng đông đảo các môn sinh, bất kể chủng tộc, tôn giáo… tham gia tập luyện. Có được sự phát triển như ngày hôm nay của Vovinam -Việt võ đạo là nhờ những đóng góp tận lực của các thế hệ võ sư, huấn luyện viên ở khắp nơi trên thế giới, những người học trò trung thành, quyết đi theo con đường của sáng tổ môn phái Nguyễn Lộc đã vạch ra nhằm duy trì một tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt.
Cho tới nay, Vovinam được phát triển qui mô và rộng lớn nhất với nhiều môn sinh có mặt ở hơn 60 nước trên thế giới, trong đó có Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Đan Mạch, Đức, Mỹ Maroc, Na Uy, Nga, Pháp, Romania, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Singapore, Uzbekistan, Thái Lan, Ý, Australia, Ấn Độ, Iran, Tây Ban Nha, Algerie, Đài Loan…
Vovinam bao gồm phần võ thuật như những thế đấm, đá, gạt, đỡ, lao, gối, chỏ, vật, đòn chân… và phần binh khí như việc sử dụng và chống đỡ kiếm, đao, côn,thương, dao găm, súng trường… Tiếp đó là việc luyện tập ngạnh công, nhuyễn công, khí công giúp dưỡng sinh và bảo tồn sức khỏe. Võ thuật Vovinam đa dạng và thức thời, phù hợp với nhiều lứa tuổi.
Trong một số cuộc thi song đấu đối kháng Vovinam, môn sinh không được phép dùng chỏ (vì ngoài đòn chân, đòn chỏ là tuyệt kỹ của Vovinam). Các “độc chiêu” như:
Nữ võ sinh Vovinam thực hiện đòn đá kẹp cổ
- Chém quét (chém một bên, dùng chân đá quét chân đối phương bên kia, 2 lực trái chiều sẽ khiến đối phương ngã)
- Đòn chân tấn công (Sử dụng các kỹ thuật cả 2 chân để quật ngã đối phương, Vovinam có tất cả 21 đòn chân tấn công).
Từ năm 1938 đến năm 1964, Vovinam không có võ phục chính thức của mình. Sau cuộc gặp mặt các võ sư Vovinam lần đầu tiên, tổ chức vào năm 1964, màu võ phục chính thức là màu lam.
Tuy nhiên phân nhánh ly khai Việt Võ Đạo Federation dùng võ phục màu đen trong những năm 1973-1990. Từ năm 1990 cho đến nay, võ phục Vovinam trên toàn thế giới dùng thống nhất màu Lam.
Năm 1960, võ sư Nguyễn Lộc qua đời tại Sài Gòn sau khi trao quyền lãnh đạo Vovinam cho người môn đệ Trưởng tràng của mình là võ sư Lê Sáng. Từ 1960, võ sư Lê Sáng tiếp nhận chức Chưởng môn môn phái và chịu trách nhiệm phát triển và quảng bá rộng rãi Vovinam ra toàn thế giới.
Võ sư Lê Sáng nguyên quán tỉnh Thanh Hóa, sinh ra ở Hà Nội năm 1920. Lúc nhỏ, ông là một cậu bé yếu ớt, gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại. Mẹ ông đã khuyên ông nên học võ để đôi chân được cứng cáp hơn. Năm 1940, ông đã học Vovinam tại võ đường Vovinam ở trường Sư phạm Hà Nội do võ sư Nguyễn Lộc trực tiếp giảng dạy. Không lâu sau đó Lê Sáng trở thành võ sư và cùng với Nguyễn Lộc tiếp tục phát triển môn phái Vovinam.
Năm 1954, Lê Sáng theo Nguyễn Lộc vào Sài Gòn để mở một lớp Vovinam. Ông tiếp tục mở thêm nhiều võ đường Vovinam, và cho tới năm 2007, ông vẫn tiếp tục dạy những môn đệ cao cấp. Ông qua đời ngày 27.9.2010 tại TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 91 tuổi.