Ngày 6/7/2009, 80.000 người hâm mộ Real đổ tới sân Bernabeu để được tận mắt chứng kiến buổi ra mắt của Cristiano Ronaldo - ngôi sao mới đến từ Man Utd với mức phí kỷ lục thế giới bóng đá lúc đó. Khán đài chỉ còn lại vài nghìn chỗ trống, dù sự kiện đó diễn ra vào chiều thứ hai. Ngày Ronaldo chào sân Bernabeu thậm chí được truyền thông thời điểm đó ví như lễ hội Hollywood.
Lượng cổ động viên hôm ấy đã vượt xa con số 55.000 người tham dự lễ ra mắt của Kaka cũng tại sân Bernabeu chỉ sáu ngày trước đó, và đánh bại kỷ lục cũ 75.000 người đón chào huyền thoại Diego Maradona tới Napoli từ Barca năm 1984.
Ngay cả những huyền thoại của Real như Eusebio, Alfredo di Stefano hôm đó cũng hào hứng xếp hàng để gặp và chào mừng Ronaldo. Bầu không khí cuồng nhiệt hôm đó mới chỉ là sự khởi đầu của ngôi sao người Bồ Đào Nha ở Real, sau sáu năm phát triển sự nghiệp và gặt hái thành công cùng Man Utd của HLV Ferguson.
"Đây là ngôi nhà mới của tôi. Với tôi, điều này giống như một giấc mơ thành hiện thực", Ronaldo phát biểu ngay sau khi Chủ tịch Florentino Perez của Real có lời giới thiệu anh với biển người ở Bernabeu. Cũng tại buổi lễ ra mắt, anh có vinh dự được thừa hưởng áo đấu số 9 từng thuộc về huyền thoại Di Stefano.
Tối thứ bảy 23/5, Ronaldo hoàn tất mùa giải thứ sáu của anh ở La Liga, đúng bằng với thời gian anh từng chơi bóng ở giải Ngoại hạng Anh.
Dưới đây là so sánh về hai giai đoạn sự nghiệp quan trọng của Ronaldo, thông qua các khía cạnh: số danh hiệu, số pha ghi bàn, khả năng kiến tạo, kỹ năng xử lý bóng…
Ghi bàn. 118 bàn của anh trong màu áo Man Utd so với 313 bàn đóng góp cho Real cho thấy rõ Ronaldo ngày càng làm chủ được kỹ năng dứt điểm tốt thế nào. Luôn tồn tại nhiều tranh cãi về tài năng của anh, nhất là khi so với Messi, nhưng thực tế rõ ràng là Ronaldo đã không ngừng nỗ lực chiến đấu như một chiến binh của dải thiên hà Madrid. Anh thuộc mẫu cầu thủ không bao giờ chịu từ bỏ mục tiêu cho tới khi giành chiến thắng hoặc ít nhất là ghi bàn.
Tuy nhiên, trong cuộc đua khẳng định vị thế cầu thủ số một thế giới đương đại, Cristiano Ronaldo vẫn có nhiều điểm bị dư luận chế nhạo khi so sánh với Lionel Messi của Barca. Không ít người gán cho anh biệt danh chuyên gia đệm bóng vào lưới, ám chỉ rằng anh đã dần quên mất cách ghi các bàn thắng đẹp.
Tỷ lệ số bàn anh ghi được trong khu cấm địa thường xuyên ở mức rất cao kể từ sau khi rời khỏi nước Anh (tăng từ 80,5% thời còn ở Man Utd, lên thành 85% ở Real), nghĩa là tỷ lệ số bàn anh thực hiện được từ ngoài khu phạt đền bị kéo tụt xuống thấp (từ 19,5% ở Man Utd, xuống còn 15% tại Real).
Tuy nhiên, việc Ronaldo thường xuyên ghi được bàn từ chấm 11 mét cũng khó có thể coi là điều gì tiêu cực. Ngày 24/2 vừa qua, thủ môn Joe Hart của Man City đã ngăn không cho Messi ghi bàn nâng tỷ số lên 3-1 từ chấm phạt đền ở lượt đi vòng 1/8 Champions League. Pha cứu thua đó của thủ thành người Anh khiến Messi lần thứ 13 đá hỏng trong tổng số 59 pha thực hiện penalty. Trong khi đó, Ronaldo chỉ bỏ lỡ năm cơ hội trong cùng 59 lần sút phạt đền. Ở trận đấu cuối cùng của La Liga mùa này, Ronaldo cũng thực hiện thành công một quả penalty.
Về thời điểm ghi bàn, cầu thủ đã ba lần đoạt Quả bóng Vàng cho thấy hầu như không có khoảng thời gian nào dễ dàng để các hậu vệ và thủ môn đối phương có thể ngăn cản anh, dù đó là trong vòng 15 phút đầu tiên của trận đấu, 15 phút thứ hai, 15 phút thứ ba… cho tới cuối trận. Ronaldo thậm chí còn tỏ ra nguy hiểm nhất trước cầu môn đối phương từ phút 76 trở đi, kể cả khi còn thi đấu ở Man Utd cũng như sáu mùa vừa qua ở Madrid. Trong sáu năm chơi bóng cho đội chủ sân Old Trafford, anh ghi được 28 bàn trong thời gian 15 phút cuối trận đấu, đạt tỷ lệ 23,7 % cao hơn bất cứ khoảng thời gian nào trong trận. Tương tự như vậy ở Real, khi Ronaldo ghi được 64 bàn trong thời gian 15 phút cuối trận, đạt tỷ lệ 20,6 %.
Ronaldo cũng đã cải thiện nhiều trong khâu kiến tạo từ khi khoác áo Real Madrid. Anh chỉ có 34 pha kiến tạo thành bàn trong sáu năm ở Old Trafford, trong khi đã có tới 65 ở Real Madrid và riêng mùa này thực hiện được 16 pha kiến tạo tính tới trước trận đấu cuối cùng của mùa giải - cao nhất trong sự nghiệp của anh.
Vậy còn khả năng sút phạt trực tiếp thì thế nào? Ngay từ khi anh còn ở Man Utd, cái tên Ronaldo đã nhiều lần xuất hiện cùng câu hỏi liệu anh có phải là một chuyên gia bóng chết. Cú sút phạt của anh từ cự ly gần 30 mét trong trận gặp Portsmouth hồi năm 2008 là một ví dụ tiêu biểu, khi nó khiến thủ môn nổi tiếng David James không có cơ hội nào để cản phá. Pha ghi bàn kiểu đó đồng thời giới thiệu với làng bóng đá thế giới một kỹ thuật chạm bóng mới, mà sau này Gareth Bale và nhiều cầu thủ khác đã học theo.
Tuy nhiên, tại Real Madrid, hiệu suất ghi bàn của anh từ điểm sút phạt trực tiếp dường như lại là một vết đen trong CV hoành tráng. Mùa này, tỷ lệ ghi bàn của anh từ các cú đá phạt trực tiếp chỉ là 3,1 %, thực hiện 32 cú sút phạt và chỉ ghi được đúng một bàn. Năm ngoái, tỷ lệ này tốt hơn khi đạt 10 %. Năm trước nữa là 8,2 %.
Ở khía cạnh anh đã ghi số lượng lớn bàn thắng theo cách nào, chúng ta hãy bắt đầu với tổng số 118 bàn thời còn ở Man Utd: 19 bàn bằng chân trái (tức 16,1%), 77 bằng chân phải (65,3%), 21 bàn bằng đầu (17,8%), và chỉ một bằng ngực. Ronaldo đã ghi tổng cộng 310 bàn cho Real Madrid (tính tới trước trận cuối cùng của La Liga mùa này, khi anh góp thêm ba bàn): 54 bằng chân trái (17,4%), 210 bàn bằng chân phải (67,4%), 45 bằng đầu (14,5%), và một lần nữa chỉ có một bàn bằng ngực.
Ai là người có nhiều pha kiến tạo nhất cho Ronaldo ghi bàn? Tại Man Utd, Ryan Giggs là người trực tiếp đưa bóng cho Ronaldo ghi bàn nhiều nhất, với 16 pha kiến tạo. Tiếp theo là Wayne Rooney, với 10 pha kiến tạo. Nani có tất cả 5 pha kiến tạo cho Ronaldo. Nhóm Scholes, Carrick, Nistelrooy cùng có 4 pha kiến tạo cho cầu thủ Bồ Đào Nha. Còn trong sáu năm gắn bó với sân Bernabeu, Ronaldo nhận được số pha kiến tạo nhiều gấp bội từ các đồng đội. Trung phong người Pháp Karim Benzema dẫn đầu với 31 pha kiến tạo cho Ronaldo, đứng trên Mesut Ozil (27), Angel di Maria (22), Bale (18) và Gonzalo Higuaín (15).