Những gì Công Phượng thể hiện trên sân cỏ sau 7 vòng đấu đầu tiên của V-League 2015 chứng tỏ cầu thủ này cho đến giờ cũng… bình thường thôi! Ngoại trừ 2 bàn thắng ghi vào lưới Khánh Hòa ở vòng 1 khi đối thủ quá non nớt vì cũng là ngày đầu tiên đá V-League, trong cả 6 vòng đấu còn lại, Công Phượng gần như mất hút.
6 vòng đấu liên tục mờ nhạt, đấy có thể cũng không chỉ đơn thuần là vấn đề phong độ, mà có khi chất lượng của Công Phượng khi lên sân chơi đỉnh cao cũng chỉ ở mức đó.
Nhưng bất chấp chuyên môn mờ nhạt, Công Phượng vẫn tiếp tục nổi ở khía cạnh ngoài chuyên môn. Điều này càng làm cho người ta liên tưởng đến những câu chuyện trong giới showbiz, ở nơi mà những nghệ sĩ nổi danh nhất, đông fan hâm mộ nhất, chưa chắc là những nghệ sĩ giỏi nhất.
Chi tiết này một lần nữa đặt ra câu hỏi rốt cuộc thì người lớn đang định hướng Công Phượng phát triển theo kiểu nào? Thay vì để cầu thủ này phát triển một cách bình thường về mặt chuyên môn, dường như có cảm giác nhiều người lớn đang cố đẩy Công Phượng lên thành một thần tượng, dù về năng lực chuyên môn, cũng như về tốc độ phát triển tâm lý, cầu thủ của bầu Đức chưa đủ sức để đảm đương vai trò đó.
Công Phượng càng nổi tiếng bên ngoài sân bóng thì càng bất lợi cho cầu thủ này. Muốn gì thì muốn, đã gọi là cầu thủ đỉnh cao thì trước hết phải đá bóng hay cái đã! Đằng này Công Phượng chưa hay nhưng cứ được thổi lên như thể hay nhất nước, rồi sớm bị khai thác hình ảnh một cách quá mức!
Không khéo đi lạc đường
Quay trở lại với câu chuyện Công Phượng quảng cáo bia. Thật ra chuyện quảng cáo là chuyện không hiếm nơi các ngôi sao thể thao. Nhưng quảng cáo để bị nhắc nhở thì thật không bình thường.
Và ngay cả khi nhắc nhở, cũng có cảm giác rằng VFF nhắc chưa đủ. Nó chưa đủ ở chỗ một cầu thủ bình thường hầu như không trả lời phỏng vấn của giới truyền thông, nếu không được phép của CLB chủ quản, như Công Phượng khó có chuyện tự ý đi nhận “sô” quảng cáo.
Quảng cáo cho một sản phẩm nổi tiếng vốn là một thương vụ không hề nhỏ, mà bản thân Công Phượng chắc không tự mình làm chuyện lớn liên quan đến kinh tế được. Thành ra, có thể cầu thủ gốc Nghệ An chỉ là nạn nhân, trong vụ vi phạm thương quyền của đội tuyển, chứ tự thân Công Phượng không có ý muốn vi phạm.
Tiếc rằng khi sự việc xảy ra, không một ai trong những người lớn từng mượn hình ảnh của Công Phượng để đánh bóng cho hình ảnh của chính họ lên tiếng thay cầu thủ này.
Thành ra, trước khi trách Công Phượng thì nên trách những người lớn đang đẩy anh đi quá xa. Nhiều người lớn không biết cách định hướng cho Công Phượng được phát triển bình thường về mặt chuyên môn, trong khi lại biến cầu thủ này dần trở thành một sản phẩm của công nghệ PR.
Sự lựa chọn sản phẩm và hình thức quảng cáo có thể không đến từ ý của Công Phượng, nhưng đến lúc xảy ra rắc rối, rồi bị cơ quan chức năng “tuýt còi” thì chỉ mỗi Công Phượng hứng chịu phản ứng từ phía dư luận!
Người ta còn lo là dần dần Công Phượng không còn thời gian và sự tập trung để phát triển thành một cầu thủ bình thường, trong khi cứ mãi quay cuồng giữa những toan tính của người lớn!
Vấn đề nằm ở chỗ chính nhiều người lớn có khi còn chưa trả lời được câu hỏi, rằng họ đang phát triển một cầu thủ bóng đá, hay đang làm thương hiệu? Đang làm chuyên môn hay đang lướt sóng thương hiệu xung quanh số phận của một thần đồng?