Dù sao cũng phải nhìn nhận rằng U19 Việt Nam đã chơi tiến bộ dần qua từng trận đấu. Họ bị “khớp” trong cuộc đối đầu với U19 Hàn Quốc và nhanh chóng sụp đổ. Thế rồi, thầy trò HLV Graechen đã rất nỗ lực rồi suýt cầm hòa trước U19 Nhật Bản (thua đau 2 bàn ở những phút cuối). Và rồi, hôm qua là trận hòa với thế trận nhỉnh hơn trước U19 Trung Quốc.
Đó là hơn 80 phút mà U19 Việt Nam chơi bóng đĩnh đạc cả trong tấn công lẫn phòng ngự. Nếu ở phía trên các cầu thủ của chúng ta phối hợp nhuần nhuyễn với những miếng đánh cả hai biên lẫn trực diện thì hàng thủ chơi đầy nỗ lực, đeo bám, bọc lót giữ vững cự ly đội hình.
Trong một tình huống phối hợp nhuần nhuyễn như vậy Thanh Tùng băng xuống phá bẫy việt vị và dứt điểm chính xác, mở tỷ số trận đấu ở phút 20. Chúng ta còn nhiều cơ hội nhân đôi cách biệt mà đáng tiếc nhất là khi Công Phượng băng xuống đối diện với thủ môn đối phương nhưng anh lại quá cầu toàn trong pha xử lý cuối cùng.
Về phía U19 Trung Quốc, họ thi đấu khá đơn giản với lối chơi chủ yếu tạt cánh đánh đầu và cố gắng tận dụng các tình huống sút xa. Mãi tới phút 87, Tang Shi mới tận dụng được cơ hội từ sai lầm của hàng thủ U19 Việt Nam để cân bằng tỷ số 1-1.
Đây là bàn thắng quý hơn vàng bởi nó giúp U19 Trung Quốc đi tiếp khi ở trận đấu cùng giờ U19 Nhật Bản vượt qua U19 Hàn Quốc 2-1. Như vậy ở bảng đấu này, hai đội giành vé vào tứ kết là U19 Trung Quốc và U19 Nhật Bản. Đội ĐKVĐ U19 Hàn Quốc bị loại cùng U19 Việt Nam.
Những điểm tích cực trong cả giải đấu tầm cỡ châu lục của U19 Việt Nam là ở một số thời điểm họ có thể chơi tốt trước những đối thủ mạnh nếu có những đối sách hợp lý về mặt chiến thuật và tinh thần thoải mái.
Sau nhiều năm, chúng ta đã có một thế hệ có thể chơi bóng sòng phẳng về mặt kĩ, chiến thuật với những nền bóng đá ở đẳng cấp thế giới. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta đã đạt được tầm cỡ ấy.
Hãy nhìn sang Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc, những đối thủ của chúng ta ở giải đấu này. Họ có một chiến lược rất dài hơi trong phát triển bóng đá, mà bóng đá trẻ hay bóng đá học đường được coi là nền móng cho sự phát triển ấy.
Trong khi đó, U19 Việt Nam mới chỉ được hình thành từ một mô hình có tính chất “đột biến” như học viện JMG. HAGL. U19 Việt Nam rõ ràng là một hiện tượng gây sốt cho cả xã hội đang thiếu thốn niềm tin vào bóng đá.
Nếu bóng đá Việt đang rơi vào đáy của sự thất vọng với những vấn nạn như bán độ, đá xấu thì Công Phượng và các đồng đội gieo vào cho người hâm mộ niềm tin vào lối chơi kĩ thuật, cách ứng xử “có giáo dục” và trong sạch.
Trong thời gian U19 Việt Nam thi đấu ở Myanmar, VTV đã phát một phóng sự mang tựa đề “Ai đang hưởng lợi từ đội U19” với những hình ảnh rất gợi: từ những “con phe” đang hồ hởi rao bán những tấm vé gấp 8-10 lần giá trị thực đến những quan chức bóng đá hò hét đến lạc giọng khi nói về U19 Việt Nam.
Nhưng một cuốn sách hay không thể là cái để đánh giá sự lớn mạnh của cả một nền văn học mà chỉ là nhân tố cần khuyến khích và nhân rộng. U19 Việt Nam cũng chỉ là một hiện tượng nhỏ lẻ không thể là bước đẩy cho sự đi lên của cả một nền bóng đá đang đứng yên, thậm chí thụt lùi.
Qua những bài học thu lượm được từ những trận đấu tại Myanmar, hẳn không chỉ các cầu thủ U19 mà cả những người đặt kỳ vọng quá mức vào lớp cầu thủ này đã nhận ra được thực chất họ đang đứng ở đâu.
Điều quan trọng và có ý nghĩa nhất với người hâm mộ lúc này là họ hãy cứ thi đấu vô tư, nhiệt huyết, cống hiến hết khả năng của mình đi, còn nhiệm vụ cứu vãn một nền bóng đá hãy trả lại cho những người có trách nhiệm.
Nếu bóng đá Việt đang rơi vào đáy của sự thất vọng với những vấn nạn như bán độ, đá xấu thì Công Phượng và các đồng đội gieo vào cho người hâm mộ niềm tin vào lối chơi kĩ thuật, cách ứng xử “có giáo dục” và trong sạch.