Giải bơi VĐQG 2015 khép lại hôm 19/10, chứng kiến màn độc diễn của Ánh Viên. Trình độ chuyên môn đã vươn lên tầm châu lục nên không có gì khó hiểu khi Ánh Viên thi đấu vượt trội. Đoàn Quân đội về nhất toàn đoàn với 16 HCV và cả 16 tấm huy chương đều do công của Ánh Viên.
Nhưng bên cạnh đó cũng xuất hiện nhân tố mới. Nguyễn Diệp Phương Trâm là cái tên ấn tượng tại giải lần này. Bỏ lại sau lưng những lùm xùm liên quan đến vụ kiện giữa gia đình và Sở VH-TT TPHCM về việc thanh lý hợp đồng, Phương Trâm thi đấu xuất sắc, chững chạc so với lứa tuổi 14 của mình.
Đối đầu trực tiếp với đàn chị Ánh Viên ở hai nội dung 50m bơi tự do và 50m bơi bướm, Phương Trâm không hề e ngại mà trái lại thi đấu rất tự tin. Ở nội dung 50 m tự do nữ, Phương Trâm cán đích với thành tích 26.37 - giành HCV, đồng thời phá luôn kỷ lục của chính Ánh Viên (26.70 tại giải VĐQG 2014). Phương Trâm cũng vượt qua đàn chị Ánh Viên một lần nữa ở nội dung 50m bướm với thành tích 27.60, phá kỷ lục do Ánh Viên lập ra năm 2014 là 27.67 (Ánh Viên chỉ giành HCB với thành tích 28.41).
Giải thích về điều này, HLV Đặng Anh Tuấn của Ánh Viên cho biết, do Phương Trâm đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ huấn luyện, có sự điều chỉnh để đạt kết quả tốt nhất. Còn với Ánh Viên, điểm rơi là giải vô địch thế giới vào cuối tháng 8, sau đó phải phát triển chu kỳ mới và những tố chất mới. Đối với Ánh Viên, giải VĐQG không phải nơi để chọn điểm rơi.
Ít ai biết trong quá trình thi đấu ở giải VĐQG, Ánh Viên vẫn phải bơi 5-7 km mỗi ngày, phải tập tạ trước khi thi đấu. Lượng vận động của cô cao gấp 2-3 lần so với VĐV khác. Đây là giai đoạn nâng thể lực của Ánh Viên và không phải vì giải VĐQG mà HLV Đặng Anh Tuấn phải điều chỉnh.
Ngày 25/10, Ánh Viên sẽ quay lại Mỹ. Cô sẽ không dự Cúp bơi lội thế giới tổ chức tại Nhật Bản vào cuối tháng này vì đang bắt đầu cho một chu trình tập luyện mới chuẩn bị cho Olympic. Việc thi đấu tại Cúp thế giới có thể ảnh hưởng tới chu trình huấn luyện mà BHL đã đề ra cho Viên.
Phương Trâm có trở thành Ánh Viên thứ 2?
Trở lại với Phương Trâm. Cô bé 14 tuổi này đã thi đấu xuất thần để vượt qua đàn chị Ánh Viên, giành HCV hai nội dung 50m bơi tự do cùng 50m bơi bướm. Sự tiến bộ của Phương Trâm nhanh tới nỗi, chính HLV Đặng Anh Tuấn, thầy của kình ngư Ánh Viên cũng thừa nhận, ở tuổi 14, Ánh Viên không thể so sánh với Phương Trâm bây giờ.
Ở giải VĐQG vừa khép lại tại Đà Nẵng, Phương Trâm là VĐV đặc biệt khi không có đơn vị đầu quân nên bất đắc dĩ phải thi đấu tự do, khoác áo Trung tâm HLTTQG TPHCM. Bất chấp khó khăn đó, nữ kình ngư 14 tuổi vẫn thi đấu rất xuất sắc. Trong thời gian tới, nếu được ngành thể thao đầu tư mạnh hơn hoặc được gia đình cho sang Mỹ du học, rất có thể Phương Trâm sẽ còn tiến bộ để gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.
Sau khi thắng đàn chị Ánh Viên ở 2 nội dung ngắn tại giải bơi VĐQG, tài năng 14 tuổi này được đưa vào nhóm đầu tư trọng điểm và sẽ được tập huấn ở nước ngoài. Theo đó, một kế hoạch đầu tư trọng điểm cho Phương Trâm của Tổng cục TDTT sẽ được lập ra trong thời gian tới và thể thao Việt Nam hy vọng sẽ có một kình ngư xuất sắc bên cạnh sự vượt trội của Ánh Viên trên đường đua xanh.
Nhưng hiện giờ, gia đình Phương Trâm vẫn đang dính vào vụ kiện tụng về vấn đề giải phóng hợp đồng với đơn vị chủ quản TPHCM mà sau 7 tháng, những vướng mắc này vẫn chưa được giải quyết.
Liệu 1 tỷ đồng mà TPHCM yêu cầu bồi thường có ngăn cản Phương Trâm trên bước đường trở thành Ánh Viên thứ 2 của Việt Nam?
Hiện Ánh Viên là biểu tượng cho một nền thể thao tập trung vào trọng điểm, có ứng dụng khoa học kỹ thuật và đang hướng tới các tiêu chuẩn thế giới. Liệu điều đó có thể áp dụng với các VĐV thể thao khác, mà ở đây cụ thể là VĐV bơi Phương Trâm?