Quyết định cho AC Parma phá sản được thông qua hôm qua 19/3 trong phiên điều trần ngắn ngủi, do thẩm phán Pietro Rogato làm chủ tọa.
Theo số liệu mà Parma cung cấp trong đơn xin phá sản, CLB này đang nợ 234 triệu đôla và được mô tả là "vô phương cứu chữa". Đây là lý do quyết định khiến tòa án thông qua phán quyết cho CLB giàu truyền thống này phá sản.
Nhưng việc Parma có thi đấu hay không thì lại tùy thuộc vào ý nguyện của các cầu thủ trong đội. Và có vẻ như không phải mọi cầu thủ đều đủ kiên nhẫn cũng như sự nhiệt tình để cùng Parma đi nốt hành trình còn lại của mùa giải.
Theo quy định của FIGC, nếu tìm được một chủ đầu tư mới đủ khả năng trả các món nợ liên quan đến thể thao của CLB - xấp xỉ 80 triệu đôla, Parma sẽ được phép giữ nguyên tên và khởi đầu lại từ Serie B sau khi xuống hạng cuối mùa này.
Tuy nhiên, khả năng này chỉ xảy ra nếu chủ đầu tư mới vừa trả hết khoản nợ gần 80 triệu đôla trên, vừa hoàn tất các thủ tục cần thiết để đăng ký đội dự Serie B trước hạn chót ngày 28/6. Đây là điều gần như bất khả thi, bởi ngần ấy việc rất khó hoàn tất chỉ trong sáu tuần, tính từ ngày Serie A mùa này bế mạc - 17/5.
Parma, thành lập năm 1913, là một trong những đội bóng có bề dày truyền thống và thành tích đáng kể nhất của bóng đá Italy, từng là một niềm tự hào của bóng đá Italy ở tầm châu lục và là thành viên nhóm "bảy bà chị" thống trị Serie A trong thời hưng thịnh của sân chơi này - những năm 1990 đầu 2000.
Phá sản, bị xóa sổ và phải khởi đầu trở lại từ hạng nghiệp dư là một cái kết bi kịch cho Parma cũng như các tifosi của đội bóng này. Tuy nhiên, bi kịch ấy cũng có thể mở ra một tương lai mới, nếu nhìn sang tấm gương của Fiorentina - một thành viên khác trong nhóm bảy bà chị của Serie A.
Fiorentina bị tuyên bố phá sản cuối mùa giải 2001-2002. Họ sau đó mất tên gọi truyền thống ACF Fiorentina, phải bắt đầu lại từ Serie C2 - tương tương hạng tư của bóng đá Italy khi đó - với cái tên Associazione Calcio Fiorentina e Florentia Viola.
Fiorentina cũng từng phá sản sau một thời gian vật lộn với nợ nần. Nhưng họ đã trở lại và hiện tại, là một niềm tự hào của Serie A ở tầm châu lục.
Nhưng sau đó, với nhà đầu tư mới, Fiorentina nhanh chóng trở lại, chuộc lại được tên cũ. Mùa này họ thậm chí đang phất cao ngọn cờ Serie A ở Europa League với việc giành quyền vào đến vòng tứ kết.