Một số ý kiến cho rằng, bóng đá Việt Nam 2 năm vừa qua chưa đạt được bước tiến nào. Quan điểm của ông như thế nào?
Ý kiến thì mỗi người mỗi kiểu, nhưng có cái đúng, có cái không. Một số thì chúng ta ghi nhận vậy thôi. Tôi cho rằng nếu nói bóng đá Việt Nam không có thành tựu nào 2 năm vừa qua thì chưa thực sự chính xác. ASIAD 2014 ở Incheon, Hàn Quốc, đội tuyển Olympic đã thi đấu rất tốt, thắng đối thủ mạnh như Iran tới 4-1 và chỉ dừng chân trước ngưỡng tứ kết vì UAE quá mạnh. Đội tuyển Olympic của chúng ta vừa qua cũng đã giành vé tham dự VCK U23 châu Á 2016 ở Qatar. U19 thi đấu đẹp mắt và thành công cũng là sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận, truyền thông trong suốt hai năm 2014, 2015.
Dĩ nhiên chúng ta cũng có một số mục tiêu chưa thực sự thành công, nhưng bóng đá là vậy, không thể đòi hỏi chúng ta phải thắng 100%. Trình độ là một chuyện, nhưng thắng thua trong 1 trận đấu còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Hơn nữa, chúng ta đầu tư thì người khác cũng đầu tư, họ thậm chí còn đầu tư mạnh hơn mình nhờ điều kiện tốt hơn. Nói như thế này thì hình ảnh quá nhưng tôi cho rằng sự phát triển của bóng đá Việt Nam cũng như các đợt sóng vậy, lúc cao lúc thấp nhưng luôn tiến về phía trước.
Nhân nói về U19, HA.GL có lẽ là hiện tượng được nhắc đến nhiều nhất trong hơn 1 năm vừa qua, nhưng lại đang thất bại ở V.League. Theo ông, nguyên nhân vì sao?
Chuyện của HA.GL là kinh nghiệm mà chúng ta cần cân nhắc. Có lẽ vì U19 đá hay nên anh Đức (Chủ tịch HA.GL Đoàn Nguyên Đức-pv) đã đặt nhiều hy vọng, nhưng sau 1 năm thì chúng ta thấy không phải vậy. Có thể họ đã hơi nóng vội, bỏ hết cầu thủ cũ đi để đưa lứa trẻ lên. U19 đá đẹp khiến cả nước say mê, hy vọng họ tạo nên một luồng gió mới, và đúng là họ có thổi luồng gió mới vào giải đấu của chúng ta thật. Nhưng để cạnh tranh thì so sánh giữa các cầu thủ mới 20, 21 tuổi với lứa đàn anh 27, 28 tuổi đã dày dạn kinh nghiệm trận mạc thì khác biệt rất lớn. Cách duy nhất để khắc phục là bổ sung ngoại binh thì cầu thủ ngoại của họ lại không tốt, không đủ sức gánh đội.
Thất bại của HA.GL liệu có phải là tín hiệu xấu đối với công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam, thưa ông?
Tôi cho rằng họ chỉ thất bại về thành tích trước mắt chứ không thất bại về lối chơi. Hơn nữa về mô hình đào tạo, học viện HA.GL áp dụng theo các tiêu chuẩn hiện đại của châu Âu, chúng ta liệu có thể tìm ra mô hình, phương thức đào tạo nào tốt hơn được không? Thế giới vẫn đang làm thế và không thể nói là người ta thất bại được. Về cách đầu tư, tôi hoàn toàn ủng hộ họ. Vấn đề chỉ là cách làm. Theo tôi thất bại của HA.GL mùa này là một kinh nghiệm quý chứ không phải kinh nghiệm xấu. Mùa sau họ có thể chơi tốt hơn.
Quyết không là người xấu
Là doanh nhân đầu tiên giữ cương vị Chủ tịch VFF trong lịch sử bóng đá Việt Nam, ông có chịu áp lực nào từ việc này không?
Tôi “mang tiếng” là doanh nhân đầu tiên là chủ tịch VFF, nhưng thực ra đã là Phó chủ tịch 2 nhiệm kỳ rồi. Vai trò Chủ tịch chỉ là một nấc khác thôi, chứ không phải “ào 1 cái” bước từ bên ngoài vào bóng đá. Có cái khác là trước đây mình chỉ đứng đầu lĩnh vực được phụ trách, còn nay thì phải quán xuyến toàn bộ. Áp lực của người đứng đầu rất lớn. Trong Thường trực khi trước chỉ đóng góp ý kiến thì nay phải chịu trách nhiệm ra quyết định sau cùng. Đúng, sai như thế nào mình phải chịu đầu tiên.
Dư luận từng kỳ vọng với Chủ tịch là một doanh nhân, VFF sẽ hưởng lợi về kinh tế. Ông có thể cho biết tình hình tài chính của VFF hiện nay?
Tài chính của VFF thì hiện nay chúng tôi đang cân đối được thu chi. Trước đây nguồn thu lớn nhất của VFF là từ V.League, nhưng hiện nay đã bàn giao cho VPF nên chúng tôi phải tự xoay xở. Thu chi tính qua các giải đấu còn lại do VFF tổ chức, thì có cái hoà, có cái có lãi…VFF phải dùng nguồn đó để đầu tư cho ĐTQG, đội tuyển Olympic, các đội trẻ, rồi hoạt động chung…Chi thì ngày càng lớn mà dự thu lại hạn hẹp. Gánh nặng rất lớn nhưng rất may chúng tôi cân đối được, nói chung vẫn đảm bảo được các hoạt động cơ bản của VFF
Vừa qua có một số ý kiến lo lắng tình hình sức khoẻ của ông sẽ ảnh hưởng tới công việc ở VFF?
Thực tế chuyện này có ảnh hưởng ít nhiều, chứ không phải là không. Rất may dưới tôi còn nhiều người giải quyết công việc. Có lúc tôi bên Nhật Bản, ở nhà có anh Tuấn (Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn-pv), rồi các anh trong Thường trực, ban TTK gánh vác công việc. Công việc cơ bản được chia thành hai cấp quản trị và điều hành rồi, việc ai người đó làm. Ảnh hưởng vì thế cũng không lớn lắm. Dĩ nhiên nếu mình làm được 100% thời gian thì vẫn tốt hơn.
Từ khi nắm quyền Chủ tịch VFF, ông có nghĩ rằng mình đã ra quyết định nào chưa thực sự chính xác không?
Trong cuộc sống không ai có thể nói là mình đúng hoàn toàn cả. Có cái mình làm đúng, nhưng cũng có thể có cái sai. Tôi chưa thấy ai dám nói là mình chưa bao giờ sai, tự cho mình là lúc nào cũng đúng. Nhưng quan điểm của tôi là có thể sai, nhưng quyết không là người xấu.
Cảm ơn ông.
Đang có những quan điểm khác nhau về năng lực và vai trò của HLV Toshiya Miura ở ĐTQG. VFF liệu có tiếp tục tin dùng ông Miura trong thời gian tới?
Chúng ta đã có kinh nghiệm về việc sử dụng các HLV ngoại trước đây rồi. Tâm lý của chúng ta là nóng vội, muốn “ăn” ngay. Thi đấu không thành công là thay ngay, thậm chí sau 1 trận đấu là đặt vấn đề thay. Một HLV tốt thì cần đảm bảo cả về công tác huấn luyện lẫn chỉ đạo thi đấu. Về huấn luyện của ông Miura, chúng tôi đánh giá đang làm rất tốt, thể hiện qua sự tiến bộ của các cầu thủ. Riêng việc thi đấu thắng hay thua còn do nhiều yếu tố: chúng ta có đủ lực lượng không, cầu thủ khi vào giải đạt phong độ cao hay không, rồi cả yếu tố may mắn… Nếu chúng ta cứ thay HLV liên tục thì không ổn.