So với HA.GL, “lò” SLNA chỉ nhỉnh hơn 1 về quân số khi đóng góp cho Olympic Việt Nam. Tuy nhiên, trừ Tuấn Tài và Phúc Tịnh còn bị hoài nghi về vị trí, 4 vị trí còn lại đều có đá chính cực lớn. Trong đó Hoàng Thịnh, Ngọc Hải… đều đã có suất cứng trong màu áo đội tuyển. Điều đó là sự khác biệt rất lớn so với lứa U.19 năm ngoái giờ vẫn còn trên đường khẳng định.
Sự thật thì người ta đừng ngạc nhiên với thành công của SLNA so với HA.GL ở đấu trường quốc nội. Lứa Hoàng Thịnh, Mạnh Hùng… có thể chỉ nhỉnh hơn Công Phượng và đồng đội (về mặt giấy tờ) 1-2 tuổi, nhưng họ đã xuất hiện ở V-League cách nay vài ba mùa. Chừng ấy va vấp giúp đội bóng xứ Nghệ tích lũy được cơ số kinh nghiệm, bài học. Cho nên, ngay cả khi SLNA dùng một HLV mới tinh tươm như Ngô Quang Trường, đội bóng ấy cũng sớm đạt được sự chững chạc, thành công, thay vì những bỡ ngỡ kiểu vừa đá vừa khám phá như cách thầy trò Guillaume đang làm ở HAGL.
Đương nhiên, một đội bóng như SLNA, với thành quả thể hiện tại V-League như vậy xứng đáng làm xương sống cho Olympic Việt Nam. Ông Miura dẫu có lạc quan, thích trẻ đến mấy, nhưng vẫn phải sống bằng thực tế thay vì mơ mộng.
Việc ông Miura chọn các chiến tướng cho cuộc trường chinh tại SEA Games thật ra là để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn của nền bóng đá. Nói gì đi nữa, bóng đá Việt Nam đã trải qua 4-5 năm “cháy” thành tích. Trong khi đó, bản chất của một kỳ đại hội như SEA Games, hẳn nhiên không thể gạt bỏ yếu tố thành tích. Ông Miura và VFF có thể phù phép về chỉ tiêu, khi nhận mục tiêu thấp nhất, chỉ vào bán kết song giá trị của một nhà cầm quân, đương nhiên chỉ có thành tích tốt mới ghi danh sử sách.
Vấn đề là ông Miura không chỉ nghĩ cho những cái ngắn hạn. 17/30 cầu thủ được ông Miura chọn lựa vẫn đủ tuổi cho SEA Games 29 vào 2 năm sau. Tức là nhà cầm quân người Nhật đã tính cả “của ăn, của để” cho một bước đường dài. Nó phù hợp với mục tiêu mà VFF từng chọn, khi sẵn sàng hy sinh SEA Games 28 để nhắm đến tấm HCV vào 2 năm tới.
Thế thì còn gì để trách ông Miura?