Giới chuyên môn và người hâm mộ không thể không ngả mũ thán phục thành tích quá ấn tượng của đoàn Hà Nội, đơn vị thống trị gần như tuyệt đối giải với 14 ngôi vô địch. Riêng Nguyễn Thị Oanh góp sức mang về đến 6 HCV (lẽ ra là 7 nếu đội tiếp sức nữ 4x100 m không bị tước HCV do phạm quy). Trước đó, tuyển thủ này đã là ngôi sao sáng nhất tại Giải Điền kinh trẻ toàn quốc 2015 khi cũng mang về cho đoàn Hà Nội 6 HCV ở giải đấu sau cùng cô tham dự với tư cách một VĐV trẻ!
Nguyễn Thị Oanh (133) một mình giành 6 HCV cho đoàn Hà Nội
Không riêng Nguyễn Thị Oanh, hầu hết các thành viên đội tuyển quốc gia vừa tham dự SEA Games 2015 trở về đều thi đấu rất thành công, như Nguyễn Văn Lai (Quân đội) ở cự ly 5.000 và 10.000 m nam; Lê Trọng Hinh (Thanh Hóa) ở 100 m, 200 m, 4x200 m nam; Dương Văn Thái (Nam Định) ở 800 m, 1.500 m nam; Đỗ Thị Thảo (Hà Nội) ở 800 m, 1.500 m nữ; Bùi Thị Thu Thảo (Hà Nội) ở nhảy xa nữ...
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, dù áp lực thành tích của từng địa phương là rất lớn nhưng nếu để VĐV thi đấu quá dàn trải, quá nhiều nội dung thực sự là một nguy cơ cho sự phát triển của chính VĐV, làm lụi tàn phong trào tại địa phương đó.
Cũng theo ông Hùng, việc tuyển thủ Nguyễn Thị Huyền không tham gia thi đấu vì chấn thương làm tăng nguy cơ cô không thể tham dự Olympic Rio 2016 dù đạt chuẩn 400 m và 400 m rào nữ tại SEA Games 2015. Sau khi trở về từ Singapore, Huyền chưa thể vươn tới cột mốc thành tích cũ trong khi chính những thông số kết quả này ngày một trở nên “lạc hậu” so với các đối thủ trên thế giới.
Nếu không kịp cải thiện, nhiều khả năng Huyền sẽ mất suất dự Thế vận hội. Tệ nhất là cô chỉ có thể đến Rio 2016 bằng suất của quốc gia không có VĐV đạt chuẩn!
Có 4 kỷ lục quốc gia mới thì 2 thuộc các môn ném, đẩy lâu nay không thuộc diện đầu tư của ngành thể thao, trong khi kỷ lục tiếp sức 4x200 m nam lại hoàn toàn xa lạ với đấu trường quốc tế...