Môn thể thao đậm tính hy sinh
Như một trò đùa của số phận, môn được xếp vào loại cực nhọc, phải vượt khó nhiều nhất của thể thao Việt Nam (TTVN) chính là nơi khiến các cô gái phải rơi nước mắt nhiều nhất: Khóc cho sự đau đớn, nỗi thất vọng và cả những bất công.
Đô vật Lê Thị Huệ bị tàn phế cả đời sau chấn thương kinh hoàng năm 2004. Ảnh: I.T
Thời gian qua đi, chẳng ai quên khóe mắt tuyệt vọng của tuyển thủ Lê Thị Huệ trước thềm SEA Games 2003, khi biết mình phải mãi xa thảm đấu, thành người tàn phế suốt đời. Đến SEA Games 2005, cả làng vật Đông Nam Á xúc động khi chứng kiến “cô gái vàng” Nguyễn Thị Lan Anh òa khóc sau những nỗ lực đến tận cùng.
Dù 3 lần bị chấn thương trật khớp khuỷu tay, tái phát nặng ở trận chung kết, song Lan Anh vẫn khẩn khoản nhờ bác sĩ hỗ trợ để trở lại thảm đấu. Khi trọng tài quyết định không cho tiếp tục đấu nữa, chị đã gục xuống òa khóc nức nở!
Gần nhất, tại SEA Games 2009, đô vật nữ Nguyễn Thị Lụa phải rơi nước mắt trong lặng lẽ và uất ức. Sang Lào với tư cách ứng viên số một, nhưng Lụa phải chấp nhận trắng tay. Lý do: Ngay trước giờ thi đấu, hạng cân của chị bất ngờ bị hủy chỉ vì không có đủ vận động viên (VĐV) đăng ký tham gia.
Đam mê cũng phải giấu
Những câu chuyện nói trên chỉ là minh chứng cụ thể. Đằng sau đó, còn rất, rất nhiều chấn thương mà các đô vật nữ phải cắn răng chịu đựng trong suốt quá trình tập luyện, thi đấu, theo đuổi niềm đam mê. Đôi khi, đô vật chỉ làm sai động tác một chút là “dính đòn” ngay.
Thống kê sơ bộ ở đội tuyển vật nữ, tuyển thủ nào cũng trải qua 5-7 lần chấn thương ở những mức độ khác nhau. Ám ảnh nhất với họ là chấn thương vai, cổ, dây chằng. Trong đó, thảm khốc nhất là ca chấn thương của Lê Thị Huệ hồi 2003 khi chị bị tổn thương 2 đốt sống cổ, đĩa đệm chèn giập tủy sống gây mất cảm giác, liệt toàn thân. Sự cố khủng khiếp mà Huệ gặp phải đã gây “hoảng loạn” cho các đồng đội nữ suốt một thời gian dài, nhiều người đã rời bỏ thảm đấu.
Lúc nào cũng nơm nớp chấn thương, sự đe dọa còn tăng lên gấp bội với các đô vật nữ bởi các điều kiện đảm bảo an toàn, thuốc men, điều trị quá tệ hại. Chính vì liên tục sống chung với chấn thương, giải quyết không đến nơi đến chốn mà 2 tài năng Lê Thị Trang, Nghiêm Thị Trang đã sớm phải giải nghệ khi bước vào độ “chín” nhất.
Một nữ đô vật từng giành Huy chương Vàng SEA Games đã ngậm ngùi kể lại chuyện buồn tưởng như của riêng chị mà rất điển hình cho vật nữ Việt Nam: 4 năm ròng phải giấu tiệt “nghề”.
Để theo được đam mê, chị đã vượt biết bao rào cản, trước hết từ chính gia đình. Bố mẹ chị kiên quyết cấm con trở thành VĐV vật. Mọi chuyện còn căng thẳng hơn khi người nhà, rồi cả hàng xóm cũng khuyên bảo “cho nó theo vật làm gì, như con trai, sau này ai thèm rước”. Phải mất đến 2 năm thấy con yêu và nỗ lực quá, bố mẹ chị mới đành… chịu!
Ấy thế mà khi có “nghề” rồi, đi đâu chị cũng phải giấu tiệt đam mê vì mặc cảm bản thân và định kiến từ người đời. Vậy mà đã xong đâu… “Có một hôm tôi đi dự tiệc, ngẫu nhiên một người bạn giới thiệu về danh tính và “bật mí” tôi là tuyển thủ vật Việt Nam. Nghe thế, mọi người dự tiệc đều cười ồ một cách rất... khó hiểu. Tôi có cảm giác mình trở thành nhân vật trong một câu chuyện… hài hước vậy! Nói với bạn vậy thôi nhưng nếu thời gian quay trở lại, cho tôi chọn, tôi vẫn chọn vật”, tuyển thủ vật xin giấu tên bộc bạch như vậy.
Theo thống kê, các VĐV nữ đang nắm giữ 60-70% thành tích quốc tế của TTVN - một tỷ lệ cao vào loại hàng đầu thế giới. Họ cũng là kỷ lục gia của những cột mốc lịch sử từ SEA Games, ASIAD tới Olympic. Trong đó, nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân là tuyển thủ Việt Nam giành huy chương Olympic đầu tiên. Cả 5 Huy chương Vàng ở 3 kỳ ASIAD trở lại đây đều do công của các gương mặt nữ. |