Olympic UAE tới từ nền bóng đá đứng thứ sáu châu Á (theo bảng xếp hạng FIFA). Trong khi đó, bóng đá nam Việt Nam chỉ xếp hạng 21 châu lục. Chênh lệch đẳng cấp giữa hai đội tuyển là rất lớn.
Tại vòng bảng, sau thắng lợi 5-0 trước Ấn Độ ở trận ra quân, Olympic UAE đã phải nhận thất bại 0-1 trước Jordan và chấp nhận đứng nhì bảng. Đây là một kết quả có thể xem là chưa tương xứng với đội đương kim Á quân như UAE, nhưng dù sao cơ hội đi sâu vào giải vẫn rộng cửa, khi chỉ phải gặp đối thủ được đánh giá thấp hơn nhiều là Olympic Việt Nam tại vòng 1/8.
Trong lịch sử các lần gặp giữa bóng đá Việt Nam và UAE thì đáng nhớ nhất là ở cấp đội tuyển quốc gia, khi tuyển Việt Nam từng hạ gục UAE 2-0 ở vòng bảng VCK Asian Cup hồi tháng 7/2007. Nhưng trong 4 lần gặp sau, thì UAE toàn thắng, ở vòng loại World Cup 2010 và Asian Cup 2015. Gần nhất là năm 2013, hai đội gặp nhau 2 trận tại vòng loại Asian Cup. ĐTQG Việt Nam thua 1-2 trên sân nhà và 0-5 trên sân khách.
Tại ASIAD năm nay, xét về thành tích, Olympic Việt Nam có phần nhỉnh hơn đối thủ. Cả hai đội đều ghi năm bàn, thủng lưới một lần tại vòng bảng. Thế nhưng U23 UAE chỉ đánh bại U23 Ấn Độ trong khi Việt Nam gây sốc trước Iran với tỷ số 4-1. Còn ở lượt cuối vòng bảng, thầy trò HLV Miura đã vượt qua Olympic Kyrgyzstan, còn Olympic UAE thất bại trước Jordan.
Phong độ và cả tâm lý thi đấu đang đứng về phía Olympic Việt Nam, nhưng đây là trận đấu trình độ và đẳng cấp sẽ quyết định lớn đến kết quả. UAE chưa bao giờ bị đánh giá thấp trình độ trong châu lục, thậm chí là cả thế giới. Đội hình của họ có nhiều cầu thủ đã từng tham dự Olympic 2012, đoạt chức vô địch Gulf Cup 2013 cũng như vào đến tứ kết giải U22 châu Á diễn ra đầu năm nay. Olympic UAE cũng là đương kim Á quân Asiad (thua Olympic Nhật Bản 4 năm trước).
Trước khi lên đường sang Hàn Quốc tham dự Asiad, đội Olympic UAE đã có chuyến tập huấn tại Đức và Thụy Sĩ. Để làm quen với điều kiện khí hậu, sân bãi, UAE đã tới Hàn Quốc tập huấn từ rất sớm và có 3 trận giao hữu tại đây.
Trong đội hình của UAE, không thể không kể đến bộ 3 hậu vệ Saif Khalfan Saeed, Khaleefa Mubarak Ghanim và Mohamed Surour Masoud hay tiền vệ Saleem Rashid Obaid, Bandar Mohamed, những người đã chơi trọn vẹn 2 trận đấu vòng bảng.
Đáng chú ý nhất là đội trưởng Saeed Al-Katheeri, cầu thủ đã lập hat-trick ở trận gặp Ấn Độ tại vòng bảng vừa rồi. Tiền đạo 26 tuổi là tuyển thủ quốc gia UAE kể từ năm 2010, đã có gần 100 trận chơi chuyên nghiệp.
Về lối chơi, Olympic UAE thiên về bóng bổng và thể lực-bản sắc thường thấy của các đội bóng Tây Á. Đây sẽ là trở ngại lớn với Olympic Việt Nam bởi các học trò của HLV Miura vốn có thể hình thấp bé, thể lực cũng không bằng đối thủ.
HLV của UAE là Ali Ebrahim sau khi quan sát Olympic Việt Nam thi đấu tại ASIAD năm nay, đã thể hiện sự thận trọng của mình, nhưng ai cũng hiểu đây chỉ là đòn tung hỏa mù của UAE.
Vào ngày mai, tất cả người hâm mộ Việt Nam sẽ hướng về Incheon để chờ đợi chiến thắng thứ 3 liên tiếp của thầy trò HLV Toshiya Miura tại Asiad 17. Tuy nhiên, đây thực sự là một nhiệm vụ quá khó khăn ngay cả khi UAE đang rất thận trọng trước sức mạnh của Olympic Việt Nam.
Hy vọng là với tinh thần hưng phấn, tự tin sau khi xếp nhất vòng bảng, cùng với những ký ức đẹp trong trận thắng 2-0 trên sân Mỹ Đình năm 2007, sẽ tiếp thêm sức mạnh cho thầy trò HLV Miura để có thể tạo ra cột mốc lịch sử cho bóng đá Việt Nam.