Thật ra, người ta đã chờ đợi Kiến Quốc làm nên chuyện khi chứng kiến anh lần lượt đánh bại các tuyển thủ đang rất sung sức như Đinh Quang Linh (đương kim vô địch quốc gia 2015) ở vòng 2, Lê Tiến Đạt (á quân quốc gia 2015, HCB SEA Games 27) ở tứ kết và Đào Duy Hoàng ở bán kết. Để rồi ở trận chung kết diễn ra sáng 25-10 tại Nhà Thi đấu tỉnh Khánh Hòa, tay vợt chủ nhà 36 tuổi tiếp tục vượt qua tuyển thủ quốc gia Nguyễn Anh Tú với tỉ số 4-3 để lên ngôi vô địch.
Chứng kiến Kiến Quốc khẳng định vị trí số 1 đơn nam tại Giải Bóng bàn các đội mạnh, giới chuyên môn một lần nữa phải băn khoăn với câu hỏi: Đoàn Kiến Quốc “trẻ mãi không già”, có bí quyết hồi xuân hay các tay vợt trẻ không chịu tiến bộ? Trong vòng 4 năm qua, Kiến Quốc đã 4 lần giành quyền tham dự trận chung kết các giải đấu lớn với 3 lần thành công, 2 ở Giải Vô địch toàn quốc Cúp Báo Nhân Dân (2012, 2014) và một lần ở Giải Đội mạnh toàn quốc 2015.
Kiến Quốc vẫn giữ được phong độ tốt dù đã bước qua tuổi 36
Tay vợt số 1 Việt Nam một thời với 2 lần giành suất tham dự Olympic, từng giành chức vô địch đôi nam ở SEA Games, đã xin rút lui khỏi đội tuyển quốc gia từ năm 2012. Khi tuổi tác đã là một trở ngại lớn, anh quyết định nhường sân chơi cho các tay vợt trẻ. Anh quay về Khánh Hòa, dồn sức vào công việc huấn luyện, đào tạo tuyến trẻ của tỉnh nhà đồng thời duy trì chế độ tập luyện thường xuyên. Điều này lý giải phong độ ổn định của anh khi quay lại so tài cùng các đối thủ đàn em.
Dù thể lực đã giảm đi trông thấy, sự di chuyển không còn nhanh nhẹn như xưa và ra sân chủ yếu bằng kinh nghiệm, Kiến Quốc luôn tích cực tham dự các giải đấu chính thức. Kết quả là anh vẫn chứng tỏ được sự vượt trội của mình. Một giải đấu đáng mừng cho cựu vô địch SEA Games Đoàn Kiến Quốc và câu hỏi cũ lại canh cánh: Bóng bàn Việt Nam tụt hậu bao xa so với chính mình trước đây, một thời hùng cứ khu vực Đông Nam Á?
Ở nội dung đơn nữ, Mai Hoàng Mỹ Trang (Petrosetco TP HCM) giành chức vô địch sau khi giành chiến thắng 4-0 trước Nguyễn Thị Nga (Hà Nội) trong trận chung kết.