Lễ xuất quân Đoàn TTVN dự SEA Games 28 sẽ diễn ra vào ngày 19/5
Malaysia sẽ thăng hoa tại SEA Games 28 với công tác xã hội hóa
Bắn cung Việt Nam cọ xát tại giải thế giới trước thềm SEA Games 28
Tại đấu trường thể thao lớn nhất khu vực vào tháng 6 tới, điền kinh Việt Nam sẽ gánh vác trọng trách giành tối thiểu 11 HCV trong chỉ tiêu 60 HCV của đoàn TTVN. Sứ mệnh ấy được đặt cả vào làn sóng trẻ với các hot-girl 9X cùng những nhân tố bí ẩn khác.
Mất liền 3 “nữ hoàng”
Chỉ trong vòng mấy tháng, điền kinh Việt Nam đã liên tiếp nhận “hung tin” với sự chia tay thảm đấu liên tiếp của 3 “nữ hoàng”. Đầu tiên, kỷ lục gia tuyệt đối 2 cự ly 800 và 1500m Trương Thanh Hằng đã chấp nhận buông xuôi vì không thể phục hồi chấn thương chân quái ác là hậu quả của vụ tai nạn cách đây 3 năm.
VĐV Quách Thị Lan
Tiếp đến nhà vô địch châu Á Vũ Thị Hương vốn hoàn toàn vô đối ở 100m và 200m cũng giải nghệ do gặp vấn đề về sức khỏe, cũng như có lý do cá nhân. Mới đây nhất, đến lượt ĐKVĐ cự ly marathon Phạm Thị Bình giã từ đường chạy bởi diễn biến mới nhiều nguy cơ từ căn bệnh tim bẩm sinh.
Không có Hằng, Hương, Bình, coi như môn này đã mất trắng 5 tấm HCV SEA Games tưởng như cầm chắc ở các nội dung sở trường. Trong đó, riêng khoảng trống mà Hương và Bình để lại sẽ chưa thể có ngay người thay thế đủ khả năng tranh chấp HCV. Thậm chí, các đàn em của Bình còn chưa đủ trình độ để tranh chấp một tấm HCĐ, chứ chưa nói đến khả năng bảo vệ ngôi đầu mà chị đang giữ.
Thế hệ 9X tài năng
Chịu thiệt hại đáng kể về lực lượng, song các nhà quản lý, huấn luyện của điền kinh vẫn tự tin đặt ra mục tiêu giành từ 11-13 HCV ở cuộc đấu khu vực đỉnh cao trên đất Singapore. Đơn giản vì ĐTVN đã có trong tay những sự thay thế, bổ sung ở mức hoàn hảo, gắn với sự xuất hiện của hàng loạt gương mặt mới, nhất là của nữ.
Có thể thấy, chưa bao giờ môn này lại sở hữu một đội hình những nữ tuyển thủ thuộc thế hệ 9X đông đảo và tài năng như thế. Họ đều đã vươn tới tầm cỡ hàng đầu ĐNÁ, thậm chí châu lục. Trong đó, nổi bật với bộ đôi hot girl Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Huyền (cùng sinh năm 1996).
Hai người đẹp này đang có thành tích vượt mức huy chương châu Á trên hai đường chạy 400m và 400m rào. Hai chị sẽ dư sức để mang về 2 tấm HCV ở cả 2 nội dung, rất có thể cả Vàng lẫn Bạc, đồng thời đóng vai trụ cột giúp Việt Nam chiếm nốt cự ly tiếp sức 4x400m. Với Đỗ Thị Thảo (sinh năm 1992) đang bước vào độ “chín”, chủ nhân của 2 tấm HCV 800 và 1.500m tiếp nối cho đàn chị Trương Thanh Hằng coi như cũng được xác định.
Cùng đó là Bùi Thu Thảo (nhảy xa nữ, sinh năm 1992), Dương Thị Việt Anh (nhảy cao, 1992), Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ, 1990), Phạm Thị Diễm (nhảy ba nước) cũng được coi như ứng cử viên Vàng thuộc diện chắc thắng. Tính ra, đội hình các nữ tuyển thủ 9X đã có thể đảm đương 7 -9 HCV, với những thông số vượt tầm SEA Games. Cộng thêm 1 Dương Văn Thái đủ năng lực tranh chấp ít nhất 1 trong 2 ngôi đầu 800m và 1500m, coi như 8-9 HCV đã được giải quyết.
Và những nhân tố bí ẩn
Kỳ SEA Games 28, điền kinh Việt Nam có thể khiến các đối thủ rất khó lường và bị động bởi một danh sách những tuyển thủ mới tinh, trong vai “nhân tố bí ẩn”. Họ chưa từng dự tranh các giải quốc tế quan trọng, song thực tế đã đạt tới tầm mức hơn cả các nhà vô địch SEA Games, chưa kể còn được đặt đúng điểm rơi để tạo ra các cuộc bứt phá ngoạn mục. Đó là một Lê Trọng Hinh (sinh năm 1997) đã chạy vượt mức HCV cả 100 và 200m nam.
Tương tự như thế, ở mức thấp hơn một chút, với một Quách Công Lịch (1993) của 400m và 400m rào nam. Hay Nguyễn Thị Oanh (1996)- người từng chạm tới mức huy chương châu lục, thế vai đàn chị Vũ Thị Hương ở 100m và 200m nữ.
Rõ ràng, đích chinh phục ít nhất 11 tấm HCV trên đất Singapore của điền kinh Việt Nam có tính khả thi cực cao. SEA Games 28 có thể coi như một cột mốc đánh dấu sự xuất hiện của một làn sóng mới và trẻ. Qua đó, môn này không chỉ giữ vị trí thứ 2 ĐNÁ mà còn đe dọa Thái Lan vốn chiếm thế áp đảo lâu nay.