Toàn bộ giai đoạn đỉnh cao nhất của Hoàng Hà Gia gần như chỉ gói gọi trong 2 năm, từ 2006 -2008. 15 tuổi đã là Á quân Asiad, ở nội dung 49kg nữ của môn Taekwondo. Mới 15 tuổi đã có HCV Đại hội võ thuật trẻ thế giới. Đến năm 17 tuổi, Hà Giang giành thêm 1 HCV trẻ thế giới nữa, cộng với suất dự Olympic Bắc Kinh 2008.
Nhưng cũng ở tuổi ấy, cánh cửa sự nghiệp đã sớm đóng chặt với ngôi sao tài hoa nhưng bạc mệnh này. Suất tham dự Olympic vừa giành được phải nhường cho đồng đội khác, khi căn bệnh lupus ban đỏ bắt đầu hình thành trong cơ thể cô gái tội nghiệp này.
Và quãng đời phía sau sự nghiệp thể thao đỉnh cao của Hoàng Hà Giang mới thực sự là chuỗi ngày cơ cực, là chuỗi ngày mà cô gái từng làm rạng danh cho thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế gần như bị lãng quên.
Ngoài việc được ngành TDTT TPHCM cưu mang bằng cách cho hưởng chế độ VĐV cấp thành, cùng công việc vừa sức ở Hiệp hội Taekwondo TPHCM, Hoàng Hà Giang không có thêm bất cứ chế độ nào khác xứng với đẳng cấp và xứng với những chiến tích chói lọi mà cô từng đoạt được.
Cô bị lãng quên đến mức có giai đoạn bao nhiêu tiền dành dụm của cựu ngôi sao tầm châu Á này tưởng như mất sạch. Đó là thời điểm Hoàng Hà Gia dồn tiền để mua một căn hộ chung cư nho nhỏ. Nhưng tiền đã đóng hơn 50% mà nhà vẫn chưa thấy đâu, do dự án xây dựng chung cư không hoàn thành.
Chỉ đến khi báo chí vào cuộc đầy mạnh mẽ, chủ đầu tư của dự án nọ mới hoàn trả lại số tiền mà Hoàng Hà Giang đã đóng vào đấy. Rồi cũng thông qua báo chí, đã có một trận đấu bóng đá và một buổi đồng diễn Taekwondo gây quỹ ủng hộ Hoàng Hà Giang hồi cuối năm 2013, giúp cô vơi bớt khó khăn, trong khi vai trò của các cấp có thẩm quyền của ngành TDTT lại khá mờ nhạt.
Hoàng Hà Giang cũng không phải là trường hợp duy nhất liên quan đến các tài năng thể thao bị quên lãng sau ánh hào quang. Ít năm trở lại đây, người ta cũng bắt gặp trường hợp của nữ hoàng một thời của điền kinh Việt Nam Vũ Bích Hường vất vả mưu sinh sau khi giải nghệ. Cho dù từng có thời nhắc đến Vũ Bích Hường là nhắc đến thế hệ tiên phong, giúp cho điền kinh Việt Nam có được sức mạnh như ngày nay.
Hoặc như Vũ Thị Nguyệt Ánh (Karatedo) phải nén đau thi đấu thêm mấy năm dù bị chấn thương, mới đủ tiền ra nước ngoài phẫu thuật cho chính chấn thương ấy, hay Văn Ngọc Tú (Judo) gần như không có đối thủ trên võ đài khu vực, nhưng giờ vẫn phải vật lộn giữa cuộc chiến mưu sinh.
Rồi có ai còn nhớ đến niềm hy vọng vàng Trần Thanh Ngời (Judo) đã vĩnh viễn ra đi vì chấn thương đốt sống cổ, khi đang tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 trên sân nhà?
Đời VĐV đỉnh cao ngắn ngủi tựa như cái chớp mắt, vinh quang trong thể thao đỉnh cao vụt chớp rồi vụt tắt như ngôi sao băng lao qua bầu trời. Ấy vậy mà, đằng sau những ánh hào quang đấy, rất, rất nhiều tài năng thể thao chưa được quan tâm và đãi ngộ tương xứng với sự tận hiến của họ.
Không giải gấp bài toán ấy, e rằng khó khuyến khích được những VĐV triển vọng quyết liệt theo đuổi nghiệp VĐV đỉnh cao, khi chính các em sẽ nhìn thấy sự đắng cay, vất vả của các bậc đàn anh, đàn chị phải chịu, lúc bước qua bên kia sườn dốc của sự nghiệp.