Tôi đến Câu lạc bộ bắn súng thể thao Sài Gòn ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 vào buổi trưa khá nắng. Hàng chục bạn trẻ đang say sưa thử làm xạ thủ, tuổi của họ chỉ trạc đôi mươi. Khi nhóm này vừa đi ra thì lại khoảng chục xạ thủ nghiệp dư nữa vào đăng ký bắn.
Khi các bệ bắn đều đã vang rền tiếng súng và các tấm bia bé xíu chi chít vết đạn thì 5 bạn trẻ ngoại quốc cũng đi vào xin thử sức. Một cô gái người Anh đem theo cả nước rửa mắt và dầu lau kính để ngắm cho rõ. Phần lớn đạn cô bắn không vào bia. Một anh bạn người Úc, có lẽ là sinh viên, thậm chí còn chưa biết cách lắp đạn và được anh Vũ phụ trách câu lạc bộ hướng dẫn.
“Chúng tôi đang vận động thành lập liên đoàn bắn súng. Thành phố có rất nhiều liên đoàn thể thao nhưng vì môn bắn súng còn quá mới mẻ nên chưa được tổ chức quy củ, nhưng với đà phát triển và thành tích khả quan như hiện nay,việc thành lập liên đoàn sẽ sớm thành hiện thực”.
Anh Vũ phụ trách CLB bắn súng thể thao Sài Gòn
Anh Vũ là người ham mê bắn súng và đã bỏ 500 triệu để xây dựng phòng tập bắn súng vào loại đẹp nhất thành phố để phục vụ các bạn trẻ. Anh nói: “Câu lạc bộ hoạt động gần như phi lợi nhuận vì tất cả tiền lãi đều dùng để giúp đỡ đào tạo các tài năng trẻ của thành phố”. Câu lạc bộ mở ra hơn một năm, hầu như lúc nào cũng có người bắn. “Thật may mắn là chúng tôi không bị lỗ”- anh Vũ nói. Mỗi suất bắn 10 viên súng thể thao Tiệp Khắc giá 20.000 đồng là giá chung trong toàn thành phố. Ngoài hướng dẫn các hội viên, anh Vũ còn đi các trường học tìm những bạn trẻ có năng khiếu đem về đào tạo. Những mầm non bắn súng này được giảng dạy và bắn miễn phí cho đến khi thành tích các bạn đạt chuẩn cấp lương của thành phố với mức 3 triệu đồng/tháng để đào tạo dài hạn. “Chúng tôi đã cung cấp nhiều vận động viên cho thành phố và hiện đang đào tạo 30 vận động viên trẻ”.
Anh Vũ nguyên là chỉ huy cấp trung đoàn, đơn vị anh đã chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên tại biên giới phía Bắc năm 1979. Anh thường cảm động kể về những ngày chiến đấu bảo vệ biên giới của tổ quốc với các bạn trẻ. Anh cũng là thầy giáo dạy môn quân sự tại trường Đại học quốc gia TPHCM. Mỗi năm anh cùng các cựu chiến binh đào tạo khoảng mấy vạn sinh viên bắn súng, chủ yếu là thực hành bắn súng thể thao. Phòng tập bắn tại Đại học Quốc gia TPHCM cũng đông sinh viên theo tập.
Các bạn trẻ TPHCM say sưa tập bắn súng thể thao
Anh Vũ nói: “Bắn súng thể thao chỉ phát triển mạnh ở ngoài Bắc từ khoảng năm 1958, còn Sài Gòn trước giải phóng không phát triển môn này”. TPHCM gần như là “điểm trắng” trên bản đồ bắn súng thể thao trong hàng chục năm liền. Tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 6 năm 2010, bắn súng TPHCM và Quảng Ninh là 2 đơn vị xếp cuối bảng khi… không có huy chương.
Mọi sự đã thay đổi khi thành phố quyết định sẽ xây dựng môn thể thao hấp dẫn các bạn trẻ. Nhiều quận huyện được phép mở phòng tập bắn súng thể thao và chiêu sinh liên tục. Các huấn luyện viên của bộ môn bắn súng và các giáo viên quân sự các trường được cử đi quận huyện để phát triển phong trào. Các câu lạc bộ bắn súng được xây dựng ở quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh, quận 1, quận 5, quận Thủ Đức… Chỉ sau 4 năm, tại đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 năm 2014, TPHCM đã giành được 3 HCV, 2 HCB, 6 HCĐ vươn lên vị trí thứ 4 toàn đoàn sau Quân Đội, Hà Nội và Hải Dương.
Anh Tuấn, huấn luyện viên, Phó bộ môn bắn súng thành phố cho biết: tại SEA Games 2013, các xạ thủ của TPHCM đã mang về 2 HCV và 1 HCĐ cho đoàn thể thao Việt Nam. Những chiếc huy chương vàng quý giá này đang được trưng bày trong phòng tập để khuyến khích tinh thần vận động viên. Hiện TPHCM đang có các vận động viên tham gia các đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho SEA Games 2015. Những bước tiến quan trọng của bắn súng thành phố không phải ngẫu nhiên, huấn luyện viên Anh Tuấn nói: “Người Việt Nam có năng khiếu bắn súng. Việt Nam là một trong những cường quốc bắn súng. Bởi vậy không lý gì TPHCM lại không đầu tư vào môn này”.
Nhiều vận động viên trẻ được hưởng lương và được đào tạo miễn phí. Ảnh: T.N.A
Tại phòng tập bắn Phú Thọ do cô Ngọc Dương phụ trách, tôi thấy lịch tập của các vận động viên trẻ dày kín. Cô Ngọc Dương đang hướng dẫn cho các vận động viên học từ lớp 7 đến lớp 12 sau các buổi học ở trường. Bạn Thượng, nữ sinh lớp 12 nom hiền lành ít nói nhưng ít ai biết cô đã từng đoạt huy chương đồng toàn thành phố và huy chương bạc toàn quốc. Thượng cho biết, dù đang đi học phổ thông nhưng mỗi tháng bạn được hưởng lương 3 triệu đồng và được hướng dẫn, tập bắn hoàn toàn miễn phí. Thành phố có một mức bắn tiêu chuẩn mà bất kỳ bạn trẻ nào đoạt được cũng lập tức được hưởng lương. Rất nhiều bạn trẻ đang hưởng lương bắn súng. Song họ chỉ duy trì được mức lương này trong những tháng tiếp theo nếu vượt qua các cuộc kiểm tra bắn súng định kỳ mấy tháng một lần, bởi vậy cần rất chăm chỉ.
Giới thể thao thường nói các nữ vận động viên bắn súng thường có sức hấp dẫn đặc biệt. Họ không cao lớn như vận động viên bóng chuyền, không dẻo dai như vận động viên bơi, không mạnh mẽ như huấn luyện viên võ, nhưng họ có sự điềm tĩnh và khôn ngoan khác thường. Anh Vũ nói: “Khi chọn vị trí bắn phù hợp rồi thì vận động viên thường không thay đổi nữa mà họ sẽ đứng như thế suốt thời gian bắn hàng giờ đồng hồ. Khi mệt, muốn nghỉ thì huấn luyện viên sẽ đưa ghế đến để họ ngồi xuống tại chỗ, rồi lại đưa ghế ra để đứng lên bắn tiếp”. Sự kiên trì chính là phẩm chất cần thiết cho giới trẻ. Anh Vũ nói, đa số vận động viên bắn súng giỏi thì thành tích học tập ở trường cũng rất tốt, do có thói quen tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định chớp thời cơ nổ súng đúng mục tiêu. Không chỉ kiểm tra thành tích bắn súng mà cô Ngọc Dương cũng theo dõi kết quả học tập của các vận động viên trẻ mỗi ngày. Sự tiến bộ trong học tập và trong bắn súng dường như càng khuyến khích các bạn đến với môn thể thao mới mẻ với thanh niên thành phố.
Trong thành phố có tới mấy mô hình bắn súng, chẳng hạn bắn súng sơn kiểu tập trận giả ở Thủ Đức, bắn súng thật phục vụ khách du lịch ở địa đạo Củ Chi, bắn súng thể thao tư nhân xã hội hóa như Câu lạc bộ bắn súng thể thao Sài Gòn quận 1 hay các CLB bắn súng của các quận. Anh Lợi, một nhân viên tin học thường dành thời gian đi tập bắn súng thể thao ở CLB bắn súng Phú Thọ. Anh nói: “Trước đây tôi tham gia đá bóng nhưng đứt dây chằng nên giờ chuyển sang môn này để rèn luyện sức khỏe”.
Sự hấp dẫn và tiềm năng của bắn súng TPHCM ở chỗ người hâm mộ bắn súng rất nhiều, câu lạc bộ bắn súng không hề thua lỗ mà còn tự tạo được kinh phí để duy trì đào tạo lớp trẻ cho quận và cung cấp vận động viên lên tuyến trên. “Giới trẻ rất ham mê bắn súng - anh Vũ nói - chính họ tạo cảm hứng cho chúng tôi và cho các vận động viên tin tưởng vào tương lai bắn súng TPHCM”.