Chính ngành thể thao cũng chưa thể thống kê đầy đủ kinh phí tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc từ cấp phường, xã cho đến cấp trung ương ngốn bao nhiêu tiền ngân sách. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào khâu xây dựng cơ bản các công trình phục vụ đại hội ở các địa phương đã thấy ngay sự tốn kém, rùm beng không đáng có.
Công trình ngàn tỉ phục vụ một môn
Thái Bình và Hà Nam là 2 địa phương đăng cai một số môn thi đấu trợ giúp cho chủ nhà Nam Định tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014. Tỉnh Thái Bình đã phải xây một nhà thi đấu mới với kinh phí 700 tỉ đồng. Trong khi đó, công trình Cung Thể thao đa năng của tỉnh Hà Nam có kinh phí tới gần 1.000 tỉ đồng.
Nhà thi đấu của tỉnh Nam Định được đánh giá là to đẹp nhất nhưng vắng khán giả trong dịp Đại hội TDTT 2014. Ảnh: QUANG LIÊM
Hà Nam là một tỉnh nghèo, lực lượng VĐV cũng không quá đông nhưng việc đầu tư cả ngàn tỉ đồng để có một công trình phục vụ một môn thi đấu khiến chính những người dân của tỉnh này phải ngỡ ngàng. Càng khó hiểu hơn khi công trình được đánh giá là lớn nhất tỉnh lại được triển khai ở một khu vực mà rất khó tận dụng cũng như phát huy hiệu quả.
Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết: “Xây dựng một công trình như vậy có lãng phí hay không thì chỉ có tỉnh Hà Nam mới biết bởi nó nằm trong quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh. Được biết, tỉnh Hà Nam cũng đã có kế hoạch sử dụng và đăng cai một số giải thi đấu tầm cỡ khu vực và châu lục sau khi có nhà thi đấu này. Công trình được xây dựng với kinh phí lớn và tiêu chuẩn cao như vậy có thể cũng là vì tỉnh Hà Nam tính toán cho việc đăng cai một số môn thi ở Á vận hội 18-2019 nếu Việt Nam là chủ nhà”.
Nhà thi đấu của tỉnh Thái Bình cũng bị phản ánh là kém chất lượng khi vừa khánh thành đã bị thấm nước. Thiết kế của nhà thi đấu cũng không thực sự khoa học khi công trình được thi công vội vàng, chóng vánh.
Riêng nhà thi đấu của tỉnh Nam Định được đánh giá là to đẹp nhất trong số các tỉnh Nam đồng bằng sông Hồng nhưng theo ông Đỗ Thanh Xuân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, để sử dụng hiệu quả công trình này, ngành thể thao Nam Định sẽ phải nỗ lực để có thêm nhiều VĐV, nhiều môn thi.
Khó ngăn chuyện “phân chia” huy chương
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, chuyện chuyển nhượng, mua bán VĐV là một xu thế và rất khó cấm. Nhiều địa phương tham dự Đại hội TDTT toàn quốc đã sử dụng chính sách “thuê người” để lấy thành tích và thứ hạng cao gây ra những hệ lụy của việc chạy đua, cạnh tranh không lành mạnh. Ông Minh nói: “Vấn đề này, các đoàn địa phương phải tự ý thức được rằng thành tích như vậy cũng chỉ là thành tích ảo”.
Chuyện mặc cả, phân chia huy chương theo nhiều địa phương cũng là phổ biến. Có chiếc huy chương chưa thực sự xứng đáng nhưng vẫn được trao với mục tiêu cổ vũ phong trào, trong khi đó có huy chương lẽ ra phải thuộc về người tài năng thực sự lại phải nhường cho người khác để tất cả cùng vui. “Đây là những chuyện thực tế nhưng ngành thể thao chưa có cách gì ngăn được” - ông Minh nói.
Coi chừng thất thoát Ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, cho biết: “Các công trình thể thao nếu không phát huy hiệu quả sau đại hội thì sẽ là một sự lãng phí lớn. Đó là còn chưa tính tới việc công trình được xây dựng với kinh phí lớn như vậy có bị thất thoát không”. Ông Giang cũng cho rằng nên tổ chức Đại hội TDTT theo hướng ít môn, tập trung cho các môn Olympic để có được những mầm non tốt phục vụ đội tuyển quốc gia. |