Cú nước rút thần tốc
Người về thứ nhì ở cự li 5.000 hôm qua là VĐV Agus Prayogo (Philippines). Ngay sau khi xuất phát, Nguyễn Văn Lai và Agus Prayogo đã nhanh chóng bứt lên dẫn đầu đoàn đua. Cả hai dần tạo khoảng cách an toàn rồi ngày càng nới rộng so với nhóm bám đuổi.
“Tôi cũng không ngờ năm nay mình đã 31 tuổi lại có thể lập được thành tích như vậy. Lịch thi đấu SEA Games 28 của tôi bất lợi vì cự li 5.000 diễn ra chỉ 2 ngày sau cự li marathon. Thời tiết ở Singapore rất nắng nóng”.
VĐV Nguyễn Văn Lai
Trong suốt thời gian cạnh tranh nhau, Nguyễn Văn Lai luôn duy trì cách biệt chỉ khoảng hơn 1m với đối thủ. Cho đến vòng chạy cuối cùng, anh vẫn theo sau Prayogo. Trong điền kinh, đây được gọi là chiến thuật “núp gió” đối phương. Ở khoảng 200m cuối cùng, VĐV của Việt Nam bắt đầu bứt tốc, vượt qua đối thủ. Từ phía sau, Nguyễn Văn Lai vụt qua Prayogo, băng băng tiến về đích. Các khán đài sân vận động vang dậy tiếng vỗ tay hoan hô. Pha “qua người” ngoạn mục của anh được các phóng viên nước ngoài đứng tại sân thi đấu điền kinh hôm qua ví như một cú nước rút của các VĐV cự li trung bình.
Nguyễn Văn Lai cán đích với thời gian 14 phút 04 giây 82, bỏ một đoạn rất xa Prayogo (14 phút 15 giây 14). Thành tích này đã vượt qua kỷ lục cũ SEA Games, được thiết lập bởi VĐV Ramachandran (Singapore) năm 1993 là 14 phút 08 giây 97.
“Tôi cũng không ngờ ở tuổi 31 lại có thể lập được thành tích như vậy. Lịch thi đấu SEA Games 28 của tôi bất lợi vì cự li 5.000 diễn ra chỉ 2 ngày sau cự li marathon. Thời tiết ở Singapore rất nắng nóng. Thật may mắn vì tôi đã có thời gian khổ luyện trong nắng nóng ở Hà Nội 1 thời gian”-Nguyễn Văn Lai chia sẻ. Trên bục nhận huy chương, Nguyễn Văn Lai thực hiện động tác chào cờ của người lính, hát vang Quốc ca Việt Nam một cách đầy tự hào.
Nguyễn Văn Lai bất ngờ, nhưng BHL đội tuyển điền kinh Việt Nam thì không. Theo Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) Dương Đức Thủy, bộ môn điền kinh đã rất tin tưởng vào khả năng đoạt HCV và thiết lập kỷ lục mới của Nguyễn Văn Lai. “Chúng tôi chỉ tiếc vì khi quan sát thấy Prayogo đã không còn giữ được sung mãn trong các bước chạy, nếu BHL điền kinh chỉ đạo để Lai bứt tốc sớm hơn thì cậu ấy có thể cán đích với thời gian dưới 14 giây. Đây sẽ là một mốc mới, đưa Lai ngang tầm với các VĐV cấp châu lục”-ông Thủy cho biết.
“Chưa có Vũ Thị Hương thứ 2”
Hôm qua, điền kinh Việt Nam còn tham dự các cự li thu hút nhiều sự chú ý là 100m nữ. Ở vòng loại diễn ra vào buổi sáng, cả 2 VĐV của Việt Nam là Lưu Kim Phụng và Nguyễn Thị Oanh đều giành quyền tham dự vòng chung kết. Thành tích của Lưu Kim Phụng là 11 giây 73, và của Nguyễn Thị Oanh là 11 giây 89. Tuy nhiên, bước vào phần thi chung kết, Nguyễn Thị Oanh và Lưu Kim Phụng đã thi đấu không đúng sức, bật ra khỏi nhóm có huy chương. Ông Dương Đức Thủy thừa nhận, BHL điền kinh thất vọng vì kết quả này. “Phải thú thực chúng tôi kỳ vọng nhiều hơn thế ở cự li 100m nữ. Thành tích của các VĐV đều giảm. Đây thực sự là kết quả rất đáng tiếc”- ông Thủy nói.
Theo ông Dương Đức Thủy, sau khi Vũ Thị Hương rút lui ở cự li 100m, 200m và Trương Thanh Hằng nghỉ các cự li 800m, 1.500m, Việt Nam vẫn chưa đào tạo được VĐV xứng tầm. Các gương mặt mới chỉ là phương án “trám chỗ trống”. Nếu so với Thái Lan, sự chuẩn bị cho lứa kế cận của Việt Nam có vẻ như đã chậm hơn.
Ông Thủy nói: “Năm nay chúng ta cử số lượng VĐV đông đảo, trong đó phần lớn là VĐV trẻ để tạo nguồn. Nhưng nếu so với chúng ta thì Thái Lan từ lâu đã làm điều này rồi. Họ chấp nhận đưa VĐV trẻ tham dự các giải quốc tế, thậm chí đăng ký nhưng không cho thi chỉ để VĐV quen với cảm giác tham dự các giải lớn. Đội ngũ VĐV của họ hiện rất dồi dào. Như chúng ta, cần phải chấp nhận chờ đợi thêm 2, hoặc thậm chí 3 kỳ SEA Games nữa”.