20 đội bóng của Ngoại hạng Anh đang trong cuộc chơi khốc liệt và sẵn sàng mạo hiểm để được ở lại sân chơi cao nhất xứ sương mù.
Các ông chủ không còn đủ kiên nhẫn với một nhà cầm quân để xây dựng và vực dậy đội bóng. Họ thà thay tướng giữa dòng và kỳ vọng vào một sự đổi thay ngay lập tức thay vì nguy cơ xuống hạng cuối mùa.
Giống như mọi năm, quãng thời gian sau dịp năm mới là thời điểm các đội bóng ở Ngoại hạng Anh rục rịch thay đổi nếu trong vòng nguy hiểm. Đã có ba chiến lược gia phải chia tay giải đầu từ đầu năm 2015 là Harry Redknapp, Paul Lambert và Gus Poyet. Cả ba đều dẫn dắt những câu lạc bộ đang cạnh tranh suất trụ hạng là QPR, Aston Villa và Sunderland.
Trường hợp của Gus Poyet là một điển hình cho sự khắc nghiệt tại Ngoại hạng Anh. Mới mùa giải trước, cựu cầu thủ Chelsea được tôn vinh như người hùng khi đưa Sunderland trụ hạng thành công. Đội bóng vùng đông bắc nước Anh từng đánh bại cả Chelsea và Man Utd trong chuỗi trận cuối mùa. Nhờ có Poyet, Sunderland bỏ túi 106 triệu đôla và nay đang hướng mắt tới 7,8 tỷ đôla chia cho 20 đội ở giai đoạn 2016-2019.
"Tiền bạc là điều luôn nằm trong tâm trí những đội bóng như Sunderland. Khoản tiền bản quyền truyền hình chiếm tới 50% hoặc gần hết doanh thu của các đội tại Ngoại hạng Anh", Giáo sư tiếp thị kinh doanh và chiến lược thể thao Simon Chadwick của đại học Coventry nói.
"Khoan nói tới chuyện tiền bạc dài hạn hay bản hợp đồng truyền hình mới, các đội bóng không muốn từ bỏ số tiền trong ngắn hạn vốn đã rất hậu hĩnh. Trước khi Sunderland nghĩ tới mùa 2016, họ lo lắng nhiều hơn về những thiệt hại nếu xuống hạng ngay mùa này".
Thất bại 0-4 trước đối thủ cạnh tranh trực tiếp Aston Villa cuối tuần trước là giọt nước tràn ly với Gus Poyet. Sunderland hiện tụt xuống thứ 17 và chỉ hơn nhóm đèn đỏ đúng một điểm và buộc ông chủ Ellis Short phải ra tay trước khi quá muộn. Chiến lược gia 67 tuổi người Hà Lan Dick Advocaat được chọn thay thế với bản CV dày dặn kinh nghiệm.
Mùa giải trước, đội bét bảng Ngoại hạng Anh là Cardiff City cũng bỏ túi tới 92,1 triệu đôla. Đó là lý do dễ hiểu khiến các đội làm mọi giá để ở lại. Ban lãnh đạo Sunderland đã học bài từ chính đối thủ mới thắng họ Aston Villa, đội đang lên chân sau khi thay HLV Paul Lamber bằng Tim Sherwood. Ông chủ của Villa là Randy Lerner, doanh nhân Mỹ như Ellis Short, từng muốn bán đội bóng và phải hành động nếu không muốn câu lạc bộ mất giá thảm hại một khi xuống hạng.
Việc tăng trưởng bản quyền truyền hình cũng khiến Ngoại hạng Anh hình thành một tầng lớp các đại gia thay nhau thống trị ngôi vô địch. Điều này giống như những năm 80 thế kỷ trước khi Liverpool chiếm ưu thế và các đội còn lại hiểu rằng họ không có cơ hội lên ngôi.
Trong khi khoản tiền bản quyền tại Tây Ban Nha luôn chia phần nhiều cho các đội bóng lớn như Barca và Real thì lại được phân đều ở Anh. Tuy nhiên, số tiền đang tăng phi mã khiến nhiều người lo ngại những đội bóng lớn sẽ đòi thêm phần chia và làm rộng khoảng cách giàu nghèo. Những trận đấu giữa Man Utd và Arsenal chắc chắn được quan tâm hơn phần còn lại và điều này làm tăng lợi thế cho nhóm các đội phía trên.