Với tổng quỹ thưởng 750.000 USD, Tournament of Champions là giải cuối cùng trong năm ở sân chơi WTA và đây cũng là năm cuối cùng giải được tổ chức ở Sofia (Bulgaria) trước khi WTA sẽ có giải thay thế vào năm sau.
Thành phần tham dự giải này gồm 6 tay vợt (căn cứ theo thứ hạng) đoạt ít nhất 1 chức vô địch International trong năm nhưng không đủ quyền dự WTA Finals ở Singapore cùng 2 tay vợt dự giải bằng vé đặc cách. Thể thức thi đấu cũng được chia làm 2 bảng y như ở WTA Finals.
Carla Suarez Navarro
Ở bảng Sredets, lượt trận đầu đã kết thúc với dấu ấn đậm nét mà Navarro tạo ra. Với chiến thắng 6/0, 6/4 trước Petkovic, Navarro đã đạt đến cột mốc 50 trận thắng trong năm và trở thành tay vợt thứ 3 vươn đến cột mốc này, sau Ivanovic (58) và Serena (52).
Sau trận thắng, Navarro cho biết: “Trận đầu tiên không bao giờ dễ dàng cả bởi vì Petkovic tranh chấp từng điểm một. Tôi thật sự vui vì đã vượt qua trận đấu này bằng chiến thắng và thật sự muốn có một tuần lễ đẹp ở đây”.
Cũng ở bảng này, Cibulkova cũng hoàn thành mục tiêu ở trận ra quân nhưng cô phải khá vất vả mới đánh bại được tay vợt chủ nhà Pironkova ở tỷ số 6/3, 7/6. Chi tiết đáng nhớ ở trận này là trong ván 2, Cibulkova thua trước 1/4 rồi 3/5 ở ván 2, đến bàn tie-break lại dẫn 6/1 nhưng chỉ thắng ở điểm số 8/6.
Đêm qua, Cibulkova gặp Navarro ở lượt trận thứ 2 và ai giành chiến thắng thì người đó có lợi thế rất lớn để giành vé vào bán kết.
Còn ở bảng Serdika mới diễn ra 1 trận đấu với kết quả Pennetta dễ dàng đánh bại Cornet ở tỷ số 6/1, 6/2. Ở bảng này còn 2 tay vợt nữa là Makarova và Muguruza.
Tin vắn
Dù 8 tay vợt hàng đầu chỉ ra sân tranh tài trong 7 ngày nhưng WTA Finals ở Singapore vẫn được kéo dài đến 10 ngày do có thêm giải dành cho các huyền thoại và các ngôi sao đang lên. Và trong 10 ngày ấy có đến 129.000 khán giả đến sân, trong đó có 4 buổi thi đấu sân có sức chứa 10.000 khán giả chật kín chỗ ngồi. Đó là một trong những lý do khiến chủ tịch WTA Stacey Allaster phải nói đây là WTA Finals tốt nhất trong lịch sử.
Kết thúc buổi bình luận trận chung kết WTA Finals ở Singapore, bình luận viên người Mỹ Kevin Skinner đã phạm phải sai sót chết người khi nói: “lời tạm biệt từ Trung Quốc” và câu nói này đã khiến dư luận phản ứng dữ dội. Chính vì vậy mà sau đó ông Skinner đã phải đăng lời xin lỗi: :”Tôi đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng, điều đó không thể chấp nhận được. Tôi xin lỗi những người đã bị xúc phạm”.