Trước đây, ở đội tuyển quốc gia, chính HLV Miura cũng luôn dành cơ hội và dành đất diễn cho dạng cầu thủ có kỹ thuật, như Thành Lương, Văn Quyết. Ở đội tuyển quốc gia tại AFF Cup năm ngoái, họ được tự do thể hiện sự sáng tạo của mình, miễn là sự sáng tạo đấy, lối chơi thiên về kỹ thuật của những cầu thủ trên phục vụ lối chơi chung của đội tuyển.
Quay trở lại với vấn đề của Công Phượng và nhiều cầu thủ khác thuộc HA Gia Lai, phẩm chất kỹ thuật của họ đã phục vụ lợi ích chung, lối chơi chung, tốc độ triển khai tấn công chung của đội tuyển Olympic Việt Nam hay không lại là chuyện khác?
Tuấn Anh cũng là cầu thủ thiên về kỹ thuật, nhưng khi lên đội tuyển Olympic Việt Nam, tiền vệ của Gỗ đang cố thay đổi, để thích nghi chung với cách vận hành của toàn hệ thống chiến thuật.
Riêng Công Phượng trong trận đấu với Olympic Indonesia lại chưa cho thấy điều đó. Giàu kỹ thuật là một chuyện, nhưng ham rê dắt, để mất bóng, rồi để đối phương có điều kiện phản công lại là chuyện khác. Đó thói quen quá rườm rà và giữ bóng lâu hơn mức cần thiết.
Vấn đề nằm ở chỗ từng cầu thủ phải hiểu kỹ thuật là để phục vụ lối chơi chung của đội bóng, và một khi đã lên tuyển thì phải biết sử dụng kỹ thuật đấy để phục vụ chiến thuật của HLV.
Con đường nào cho đội tuyển Olympic Việt Nam?
Bất kỳ HLV nào cũng cần cầu thủ giàu kỹ thuật, cần những cá nhân khéo léo. Nhưng điều quan trọng là cầu thủ đấy trước tiên phải biết phối hợp với những đồng đội xung quanh, phải biết đá đơn giản, thay vì lại lạm dụng kỹ thuật rồi cầm bóng lao vào bức tường phòng ngự đang có 3 – 4 hậu vệ của đối phương. Đấy lại là vấn đề xuất phát từ tư duy của các cầu thủ, không liên quan gì đến HLV Miura.
Thành ra, cũng đừng đặt câu hỏi Công Phượng có lạc lỏng ở đội tuyển Olympic Việt Nam hay không? Đừng hỏi Công Phượng có bị cô lập ở đội bóng này hay không? Mà hãy nhìn theo hướng ngược lại, Công Phượng đã thay đổi những gì để có thể phù hợp với đội tuyển Olympic? Trong khi lối chơi của anh, lối chơi của thế hệ U19 tại HA Gia Lai đang bị đánh giá là cầu kỳ nhất, dễ bị bắt bài nhất nước.
Thấy rõ lối đá của mình không phù hợp với môi trường đỉnh cao, nhưng bản thân cầu thủ đấy không thay đổi thì đấy cũng đâu phải là lỗi của HLV Miura, hay của các đồng đội mà Công Phượng đang có tại đội tuyển Olympic.
Chất kỹ thuật của Công Phượng vẫn là vốn quý cho đội tuyển nói riêng và cho nền bóng đá nói chung. Nhưng nếu Công Phượng biết dùng kỹ thuật đấy để phục vụ cho sự vận hành chung của cả hệ thống chiến thuật, biết chơi đơn giản hơn để tăng tốc độ tấn công của toàn đội thì quá tốt!
Đằng này, lối chơi của Công Phượng vẫn y chang như lúc anh đá ở HA Gia Lai, nên thành ra vẫn còn cần phải có thêm thời gian để theo dõi và để giúp cầu thủ này hòa hợp, chứ không đơn giản bốc ngay Công Phượng vào đội hình chính như đòi hỏi của một số người, trong khi anh chưa chứng tỏ được gì cả.
Triết lý mà HLV Miura đang xây dựng cần được tôn trọng. Một HLV nhà nghề luôn rõ nhất thời điểm nào cần đến sự cầu kỳ và lúc nào thì càng đơn giản càng tốt. Đá đơn giản nhưng có bàn thắng như kiểu ghi bàn vào lưới Indonesia chẳng lẽ không tốt hơn việc chơi lắt nhắt rồi thất bại hay sao?
Cách sử dụng con người của ông cũng cần được tôn trọng, vì nói cho cùng vị HLV người Nhật rõ nhất lúc nào thì dùng cầu thủ nào trong từng thời điểm và từng đối thủ khác nhau. Thay vì người ngoài cứ xới tung lên chuyện nên dành sẵn chỗ cho người này, người kia! Xới tung lên những câu chuyện vốn chỉ làm cho tình hình đội tuyển thêm rối!