Sau khi giành tấm huy chương bạc nội dung 400m tự do và trước đó là tấm huy chương đồng ở nội dung 200m hỗn hợp tại Cúp thế giới vừa diễn ra tại Moscow (Nga), cái tên Ánh Viên lại đang tạo nên một “cơn sốt” với làng thể thao Việt Nam. Cô gái 19 tuổi gốc Cần Thơ đã làm nên lịch sử cho bơi lội Việt Nam khi trở thành VĐV đầu tiên giành được tấm huy chương ở đấu trường tầm cỡ thế giới.
Ánh Viên được nhắc đến rất nhiều trên khắp các mặt báo, chủ đề về “siêu kình ngư” Việt Nam cũng được bàn tán rộng rãi trên các mạng xã hội. Lần đầu tiên Ánh Viên bước lên bục chiến thắng của một giải đấu lớn như FINA World Cup, nhưng thành tích của kình ngư sinh năm 1996 có thực sự “ghê gớm”, có đáng được gọi là “kỳ tích”?
Nên nhớ, FINA World Cup 2015 đang diễn ra ở Moscow (Nga) có quy mô nhỏ hơn và cũng là đấu trường không thể so bì được với giải vô địch bơi lội thế giới vừa diễn ra cách đây mấy ngày tại Kazan (Nga). So sánh một chút, ở giải vô địch thế giới, tập hợp nhiều VĐV tên tuổi nhất làng bơi thế giới, các VĐV giành HCV nhận được 20.000 USD tiền thưởng. Trong khi tại Cúp thế giới mà Ánh Viên ghi dấu ấn, tiền thưởng cho VĐV về nhất chỉ là 1500 USD.
Katinka Hosszu là VĐV đẳng cấp hiếm hoi dự FINA World Cup
Hơn nữa, tại Cúp thế giới 2015 được tổ chức tại Moscow có không nhiều các VĐV tên tuổi, sừng sỏ và đẳng cấp thế giới tham dự. Vậy nên giải đấu mà Ánh Viên vừa giành được 1 tấm huy chương bạc và 1 huy chương đồng có tính cạnh tranh ít hơn rất nhiều. Ở FINA World Cup, “siêu kình ngư” 18 tuổi người Mỹ Katie Ledecky – người giành đến 5 tấm HCV, phá 3 kỷ lục thế giới ở Kazan không tham dự.
Ye Shiwen – kình ngư người Trung Quốc được coi là đối thủ số một của Ánh Viên tại đấu trường châu Á, người từng giành HCV nội dung 200m hỗn hợp và 400m hỗn hợp cũng không tham dự FINA World Cup. Chỉ có VĐV người Hungary Katinka Hosszu là kình ngư có “số má” hiếm hoi tham dự giải đấu ở Moscow và cô dễ dàng đánh bại Ánh Viên ở 2 cự ly 200m hỗn hợp và 400m hỗn hợp.
Sau khi bước lên bục nhận tấm huy chương bạc cự ly 400m hỗn hợp, Ánh Viên đã tỏ ra không hề vui chút nào. Giải thích về việc này, HLV Đặng Anh Tuấn cho biết, làm sao có thể vui được khi Ánh Viên đã thua chính mình. Bởi cũng ở cự ly 400m hỗn hợp tại giải vô địch thế giới trước đó, Ánh Viên còn làm được tốt hơn khi cô về đích với 4 phút 38 giây 78 (so với 4 phút 40 giây 79 ở FINA World Cup).
Trước sự “tâng bốc” của giới truyền thông dành cho Ánh Viên sau thành tích tại Cúp thế giới tại Moscow, nhà báo Nguyễn Lưu bày tỏ sự lo ngại: “Ánh Viên giành huy chương bạc Cúp thế giới. Thật đáng mừng cho cô gái vàng Việt Nam. Nhưng theo tôi, báo chí vẫn cần phải tỉnh táo trong khi đưa tin về Ánh Viên.
Ánh Viên không hài lòng với thành tích của mình ở nội dung 400m hỗn hợp
Ở nội dung Ánh Viên giành huy chương bạc vừa rồi, chỉ có 7 người tham gia thì có 2 người đã bỏ cuộc. Chưa hết, thành tích của Ánh Viên còn kém hơn khi cô bị loại ở Kazan cũng ở cự ly 400m hỗn hợp nữ này. Chưa nói đến việc Cúp thế giới thua xa về tầm mức so với giải vô địch thế giới”.
Ngoài ra, nhà báo Nguyễn Lưu còn lấy dẫn chứng về việc giải vô địch thế giới có đẳng cấp khác xa Cúp thế giới: “Như năm ngoái, Hà Thanh đã 4 lần đăng quang Cúp thế giới môn thể dục dụng cụ, là một trong những môn trọng điểm Olympic. Nhưng ở giải vô địch thế giới thì thành tích của Hà Thanh lại kém xa và không thể giành HCV được”.
Cùng quan điểm với nhà báo Nguyễn Lưu, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng dư luận cần tỉnh táo và hiểu rõ về giải vô địch thế giới lẫn Cúp thế giới: “Chúng ta không thể so sánh Cúp thế giới mà Ánh Viên giành 2 huy chương với giải vô địch thế giới được.
Đó là sân chơi vượt trội về đẳng cấp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những nỗ lực của Ánh Viên để đạt được thành tích ở cấp độ thế giới, và đây chắc chắn là sự động viên khích lệ lớn đối với thể thao nước nhà nói chung và bản thân Ánh Viên nói riêng”.