Hoàng Nam so tài tay vợt 2 lần đánh bại Djokovic
Video những bất cập trong công tác trẻ hóa của bóng chuyền Việt Nam (bản quyền thuộc VTV):
Bên cạnh bóng đá, bóng chuyền là môn thể thao luôn nhận được nhiều sự quan tâm của NHM Việt Nam. Tuy nhiên cho tới nay, bóng chuyền Việt Nam lại chưa có sự phát triển một cách toàn diện và sâu rộng. Ngoài những khó khăn về cơ sở vật chất, nguyên nhân dẫn tới tình trạng bất cập này còn đến từ công tác đào tạo trẻ, tuyển chọn đầu vào, cũng như một thói quen cố hữu: bệnh thành tích.
Lý giải về hiện trạng bóng chuyền Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Kiệt, HLV đội trẻ Ngân hàng Công Thương cho biết: “Muốn đi đánh giải trẻ thì phải đào tạo càng nhanh càng tốt. Có những em mới chỉ tập luyện được 2 năm đã đi phải đi thi đấu, điều đó sẽ mang lại nhiều hậu quả không hay về sau. Kỹ thuật còn vụng về, kinh nghiệm chưa được tích lũy khiến các em dễ dính phải chấn thương không đáng có, ảnh hưởng tới sự nghiệp vừa chớm nở và nhiều năm sau nữa!”.
Công tác trẻ hóa của bóng chuyền Việt Nam có nhiều bất cập, bên cạnh nguyên nhân cố hữu về cơ sở vật chất
Đồng quan điểm, ông Bùi Huy Sơn, chủ công xuất sắc một thời, hiện đang đảm nhận vai trò HLV trẻ của CLB Thông tin Liên Việt Post Bank còn khẳng định, việc để các VĐV tiếp xúc với bóng chuyền ở Việt Nam hơi muộn so với nhiều nước khác:
“Công tác tuyển quân ở tỉnh, trường học trên đất nước đều gặp rất nhiều khó khăn. Các em tiếp xúc với bóng chuyền từ cấp 2, tầm 13 – 14 tuổi. Đây là lứa tuổi chuẩn đối với Việt Nam nhưng lại hơi muộn so với nước bạn. Ở những nước đầu tư mạnh về bóng chuyền, trẻ em lứa tuổi 10 đến 12 thường được tổ chức đấu giải để cọ xát, học hỏi”.
Thực ra, Việt Nam đang thực hiện nhiều kế hoạch trẻ hóa lực lượng khi thành viên thuộc các lứa ĐTQG thường góp mặt ở các giải trẻ, có nhiều cơ hội thi đấu, cọ xát. Nhưng điều đáng nói ở chỗ, họ rất khó tìm được nói chung mỗi khi lên Tuyển, khiến các HLV phải tìm cách kết nối, xây dựng một lối chơi thống nhất.
“Chúng ta có thắc mắc vì sao các tuyển thủ Thái Lan có lối chơi tương đồng và gắn kết như vậy không? Theo tôi tìm hiểu, họ sử dụng một giáo án, phương pháp đào tạo đồng bộ từ tuyến trẻ lên ĐTQG”, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt băn khoăn.
Cuối cùng, sự hạn chế trong kĩ thuật cơ bản của VĐV cũng là điều khiến những người làm chuyên môn đau đầu, dù bóng chuyền Việt Nam đã có những cải thiện về thể hình, thể lực.
Một số VĐV “ăn cơm Tuyển” chỉ chăm chăm tấn công mà “đến đỡ bóng cũng không biết, có chiều cao tốt nhưng bài toàn về phòng thủ và bước 1 còn nan giải hơn cả vài năm trước” (trích lời ông Kiệt).
Trẻ hóa là điều nên làm với bóng chuyền Việt Nam, nhưng để đạt được hiệu quả, người làm chuyên môn cần nhìn nhận và giải quyết những vấn đề ở trên một cách tích cực, rốt ráo hơn.