Bóng chuyền chờ sức bật từ người mới

Ngày đăng 06/12/2015 00:03

Nguy cơ thoái trào

Với đa số phiếu tín nhiệm, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty cổ phần Thể thao Động lực đã được bầu làm Chủ tịch VFV nhiệm kỳ VI. Thông tin trước đó cho hay, ông Thành là ứng viên duy nhất cho vị trí trên. Ở ghế TTK, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cũng thôi kiêm nhiệm, nhường lại cho ông Lê Trí Trường, Trưởng phòng Hành chính-Tổng hợp Trường Đại học TDTT Bắc Ninh. Ông Trường sinh năm 1975, là trọng tài quốc tế và được giới chuyên môn đánh giá
khá cao.

Nói mới nhưng cũng cũ, bởi ông Lê Văn Thành không xa lạ với giới thể thao khi nhiều năm có tên trong BCH LĐBĐVN (VFF). Ở các nhiệm kỳ trước, ông Lê Văn Thành giữ ghế Phó chủ tịch ở VFV.

Những thay đổi của VFV diễn ra trong bối cảnh bóng chuyền Việt Nam thời gian vừa qua xảy ra khá nhiều vấn đề gây lo lắng. Nội bộ VFV hơn 1 năm trở lại đây xuất hiện những thông tin về tình trạng mất đoàn kết, hoặc không có sự đồng thuận trong phương hướng lãnh đạo,
tổ chức.

Ở giải VĐQG, nhiều CLB trong tình trạng đuối về tài chính, dẫn đến thu nhập của VĐV không được đảm bảo. Trong hai năm gần đây liên tục có trường hợp các CLB giải thể, mà nguyên nhân lớn xuất phát từ vấn đề tài chính, như: CLB Tập đoàn Dầu khí, XLDK Thái Bình Dương, VietsovPetro, Cao Su Bình Phước, Bia Sài Gòn-Thái Bình Dương…Ở giải hạng A như thừa nhận của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, có hiện tượng nhiều CLB cố tình thua vì không muốn thăng hạng do thiếu tiền.

Những bất ổn nói trên đã khiến những người quan tâm tới sự phát triển của bóng chuyền Việt Nam đều cảm thấy e ngại, không muốn tham gia. Đây là lý do qua 2 năm, VFV không tìm được ứng viên mới cho vị trí Chủ tịch và TTK. Ông Trần Đức Phấn đã từng phải “tự ứng cử” vị trí Chủ tịch, nhưng cách đây 2 tháng lại xin rút.

Dè dặt mục tiêu

Tân Chủ tịch VFV Lê Văn Thành. Ảnh: VSI

Trao đổi với báo chí hôm qua, tân Chủ tịch VFV Lê Văn Thành cho biết cảm thấy khá lo lắng vì áp lực của vị trí mới. Theo ông Thành, mục tiêu của VFV ở nhiệm kỳ VI là giữ vững và đưa bóng chuyền tiếp tục là môn thể thao số 2 ở Việt Nam về độ phổ cập và phong trào. VFV đồng thời hướng tới khắc phục các điểm yếu trước đây, như đào tạo trẻ còn kém, chưa phát triển bóng chuyền rộng khắp ở các trường học.

“Để thực hiện được các việc trên chúng tôi sẽ nỗ lực thu hút thêm tài trợ, phát triển bóng chuyền cả bề rộng và chiều sâu”, ông Lê Văn Thành nói.

Một trong những điều chỉnh đầu tiên VFV sẽ thực hiện, theo ông Thành, là cắt giảm số đội tham dự giải VĐQG từ 12 xuống 8 đội. Việc này nhằm nâng cao chất lượng của giải đấu.

Đề cập tới mục tiêu trong khu vực, ông Lê Văn Thành tỏ ra thận trọng khi cho rằng, Việt Nam “còn nhiều việc phải làm” do thua Thái Lan về điều kiện kinh tế. Trong khi đó theo TTK Lê Trí Trường, bóng chuyền Việt Nam có thực lực không hề kém Thái Lan, thậm chí 1 số điểm mạnh hơn đối thủ. “Tuy nhiên hệ thống đào tạo của họ quá chuyên nghiệp, lại được xã hội hoá rất tốt. Vì thế ở nhiệm kỳ tới, mục tiêu của chúng tôi là phải chú trọng khâu đào tạo trẻ, ứng dụng khoa học công nghệ vào đào tạo”, ông Trường nói.

Ở cấp độ châu lục, hai tân lãnh đạo VFV cho biết mục tiêu của Việt Nam là đưa tuyển nữ vào tốp 5, tuyển nam vào tốp 10 ASIAD.

Thời gian qua, các đội tuyển nam và nữ bóng chuyền quốc gia thường xuyên để thua Thái Lan trong các cuộc đối đầu trong khu vực. SEA Games 2015 hồi tháng 6 chứng kiến 2 thất bại của cả đội nam và nữ trước Thái Lan trong trận chung kết.