Nhưng các tuyển thủ Việt Nam đã lên tiếng phản bác lại những ý kiến cho rằng đội tuyển bán độ trong trận thua bạc nhược trước tuyển Malaysia ngay tại sân Mỹ Đình.
Thành Lương viết: “Tôi khẳng định, chúng tôi không ngại nắng nôi, mưa gió luyện tập vất vả, không ngại những chấn thương rình rập, không ngại những va chạm đổ máu trên sân. Kiếm được đồng tiền từ nghề này, không chỉ đổ mồ hôi mà còn phải đổ cả máu. Vì vậy, việc quy chụp bán độ cho đội tuyển đừng nói ra để cho vui và tỏ ra nguy hiểm”.
Việc có bán độ hay không, chúng ta vẫn chưa biết. Nhưng trước sự thất bại quá đau đớn, nhiều người Việt bỗng nghi ngờ!
Trở lại vấn đề chuyên môn, không phải đây là lần đầu tiên ĐTVN thua như thế. Thất bại trước Singapore tại trận chung kết Tiger Cup 1998, trước Malaysia tại chung kết SEA Games năm 2009 và trận đấu này là những ví dụ cụ thể.
Tiger Cup 1998 trên sân nhà, đội tuyển Việt Nam đã chơi rất hay ở vòng ngoài. Đến trận chung kết với Singapore, tất cả đều hi vọng VN sẽ chiến thắng nhưng lại bị bại trận bởi cái vai của trung vệ Sasi Kumar.
SEA Games 26 năm 2009 tại Lào, đội U23 VN cũng đã chơi rất hay ở những trận đầu, thắng Malaysia 3-1 ở vòng bảng, nhưng cuối cùng cũng thua ở chung kết trước U23 Malaysia bằng pha đá phản lưới nhà của trung vệ Xuân Hợp.
Và trận thua bán kết lượt về này trước Malaysia đúng là không thể tiêu hóa nổi.
Trước trận đấu, ai cũng nghĩ đội tuyển VN sẽ vào chung kết. Nhưng cũng có những nhà chuyên môn e dè. Ví như HLV Lê Thụy Hải đã cho rằng, nếu ĐTVN vẫn lơ lửng trên mây thì cũng không loại trừ động đất xảy ra. Và động đất thật!
Không chỉ Việt Nam là nạn nhân của người Mã, mà trước đó Singapore cũng là một nạn nhân cay đắng khác cho chiếc vé vào bán kết của Malaysia khi họ thắng trong phút bù giờ. Hình như người Mã là chúa thích chơi khăm như vậy!
Chỉ tiếc rằng, ĐTVN thua trận trong lúc mà không khí bóng đá được gầy dựng trở lại và khán giả đã kéo trở lại sân Mỹ Đình. HLV Toshiya Miura và các học trò bắt đầu được chào đón như những người hùng khi trở về từ trận bán kết lượt đi trên đất Malaysia.
HLV Toshiya Miura thừa nhận trận thua là một trong những trận đấu tồi nhất sự nghiệp của ông. Ông Miura đã hành xử như một “Võ sỹ đạo”: “Với vai trò HLV trưởng, tôi xin chịu trách nhiệm về thất bại này và gửi lời xin lỗi tới các CĐV Việt Nam”.
Trong bóng đá, mọi thứ đều có thể xảy ra. Có ai nghĩ đến cú lội ngược dòng 2-1 vô tiền khoáng hậu của Manchester United trước Bayern Munich tại chung kết Champions League 1999 hay chiến thắng hủy diệt 7-1 của Đức trước chủ nhà Brazil ở bán kết World Cup 2014 mới đây.
Công bằng mà nói, dưới sự huấn luyện của HLV Miura, các cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là các cầu thủ trẻ, đã dần tiếp thu được tinh hoa trong phong cách làm việc của người Nhật. Đó là thái độ chuyên nghiệp và sự kỷ luật. HLV Miura đã làm tốt trong việc dần nâng cao thể lực, tâm lý, chiến thuật cho các cầu thủ.
Ngay từ đầu VFF đã không đặt mục tiêu cho ĐT Việt Nam và bây giờ vào bán kết cũng là một kết quả tốt. Chỉ có cái cách thua trận của ĐTVN ở bán kết lượt về làm hầu hết cổ động viên nuốt không trôi.
Nhưng hãy nhớ lại, chức vô địch AFF Cup 2008 có làm thay đổi gì bộ mặt của bóng đá Việt Nam? Bây giờ bại trận nhưng những việc ông Miura đang làm là dần dần thay đổi bộ mặt không mấy đẹp đẽ đó.
Liệu sau cú sốc này, với tinh thần thượng võ, HLV Miura có còn tiếp tục gắn bó với bóng đá Việt Nam? Có công bằng không khi bắt ông Miura phải vực dậy cả nền bóng đá Việt Nam đang bết bát dưới hố thẳm. Chúng tôi tin là với mọi công sức và tâm trí đã đổ ra thì ông Muira vẫn là người đáng được khen ngợi.