Đây không phải là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam có cầu thủ ra nước ngoài thi đấu. Lê Huỳnh Đức chính là người tiên phong cho phong trào cầu thủ Việt xuất ngoại. Là cầu thủ của thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam, Huỳnh Đức đã để lại dấu ấn không nhỏ trong quãng thời gian dù ngắn tại CLB Lifan (Trung Quốc).
Sau Huỳnh Đức, tới lượt Lương Trung Tuấn và Việt Thắng sang Thái Lan và Porto B để học việc. Năm 2008, tiền vệ Nguyễn Hữu Thắng của B.Bình Dương đã được một nhà môi giới đưa sang thử việc tại CLB LA Galaxy ở Giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS). Sau này, Công Vinh trở thành cầu thủ ra nước ngoài nhiều nhất, khi từng sang Bồ Đào Nha và gần nhất là thi đấu cho Sapporo tại giải J-League 2.
Dù bóng đá Việt Nam đã có cầu thủ xuất ngoại, nhưng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc bầu Đức cho cùng một lúc 3 gương mặt xuất sắc nhất của mình tới thi đấu tại Nhật Bản và Hàn Quốc là điều chưa ông bầu nào làm được.
Điểm đến của Công Phượng là CLB Mito Hollyhock. Đồng đội của anh là Tuấn Anh sẽ khoác áo Yokohama. Cả hai đội bóng của Nhật Bản đều đang chơi ở J-League 2, tức là chưa phải giải đấu cao nhất xứ Mặt trời mọc, nhưng với một cầu thủ Việt Nam thì đó là cả một điều kỳ diệu (ngay cả Công Vinh trước đó cũng không thể chơi cho J-League).
Xuân Trường đến Hàn Quốc thi đấu còn oách hơn, khi khoác áo đội bóng đang chơi ở K-League là Incheon Utd, với phí chuyển nhượng kỷ lục lên tới 300.000 USD.
Bầu Đức đã ví von rằng: “Chỉ trong vòng 1 tháng mà HAGL có 3 cô con gái lấy chồng. Mà toàn lấy chồng ngoại quốc mới ghê chứ!”. Cái câu nói của bầu Đức và cả hành động hôn Công Phượng ngày ký hợp đồng với Mito Hollyhock, cho thấy sự tự hào, hãnh diện và hạnh phúc.
Bầu Đức không hãnh diện, hạnh phúc sao được khi lứa cầu thủ mà mình chăm bẵm gần chục năm trời đã đủ lông, đủ cánh để thi đấu được ở những giải đấu có tính khắc nghiệt cao như Nhật Bản, Hàn Quốc. Đó cũng là câu trả lời của bầu Đức sau những ý kiến cho rằng lứa Công Phượng, Tuấn Anh… là sản phẩm thất bại của lò đào tạo HAGL.
Bầu Đức là người làm kinh doanh, nên việc ông bán được sản phẩm của mình là điều hết sức bình thường. Với các cầu thủ, việc được thi đấu ở giải đấu khốc liệt, chất lượng cao sẽ là động lực kích thích các cầu thủ trẻ này phá vỡ những giới hạn của bản thân. Không chỉ tiến bộ trên sân cỏ, họ còn được học hỏi rất nhiều về công tác huấn luyện, đào tạo từ nền bóng đá phát triển.
Tất nhiên, phía trước không phải là màu hồng với Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, khi tất cả sẽ phải cạnh tranh để có suất đá chính ở CLB mới. Những khó khăn luôn nằm ngoài tưởng tượng với bất cứ cầu thủ Việt Nam nào, chứ không riêng gì lứa của bầu Đức.
Thế nhưng, chẳng phải ai cũng có được cơ hội như Công Phượng, Tuấn Anh… , và họ chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội ấy để phát triển sự nghiệp, đền ơn bầu Đức cũng như về đóng góp cho ĐTQG.
Cũng có người đã nghĩ đến khả năng Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường…hoàn toàn có thể ít được ra sân, ngồi trên băng ghế dự bị, thậm chí phải trở về vì chưa chắc đã phù hợp với bóng đá Nhật Bản. Thế nhưng, dù thế nào thì chuyến xuất ngoại của những cầu thủ này, cũng đang tạo nên một cuộc cách mạng cho bóng đá Việt Nam. Đó là điều mà ai cũng phải thừa nhận và phải cảm ơn bầu Đức – người tiên phong đưa cầu thủ Việt ra xuất ngoại ồ ạt, chứ không còn là nhỏ lẻ như trước đây.