Mâu thuẫn giữa bầu Đức với HLV Toshiya Miura có lẽ không là điều khiến ai cảm thấy ngạc nhiên, bởi nhà cầm quân người Nhật Bản bị bầu Đức và những người “cùng phe” với ông xem như là vật cản với sự phát triển tài năng của các tài năng trẻ từ lò HAGL như Công Phượng, Tuấn Anh..., mà nguyên nhân thì chỉ vì quan điểm chiến thuật ưa thích sử dụng cầu thủ to cao đa năng của HLV Miura không phù hợp với Công Phượng và đồng đội.
Nếu dựa vào kết quả chuyên môn để luận anh hùng thì cả bầu Đức lẫn HLV Miura đều đang không thắng trong cuộc tranh đua này, vì lứa cầu thủ Công Phượng của bầu Đức vẫn chưa làm nên trò trống gì ở những giải đấu chính thức, còn HLV Miura cũng chưa có danh hiệu nào trong gần 2 năm gắn bó với các ĐTQG Việt Nam.
Tuy nhiên, ở phương diện khẩu chiến thì bầu Đức lại đang thắng to, thắng mạnh, bởi gần nửa năm trở lại đây, bầu Đức liên tục công kích HLV Miura bằng những lời lẽ nặng nề, lần sau dữ dội hơn lần trước, trong khi HLV Miura chỉ có thể đáp lại bằng sự im lặng, bởi sự chênh lệch quá lớn giữa một bên là Phó Chủ tịch VFF còn một bên là người làm thuê.
Chỉ có điều chắc không nhiều người cảm thấy vinh dự vì chiến thắng này của bầu Đức, bởi nói nhiều không có nghĩa là nói hay, nói đúng, nhất là càng ngày bầu Đức càng lộ rõ động cơ cá nhân của mình, như việc mới đây ông gợi ý VFF sa thải HLV Miura để đổi lấy những bản hợp đồng tài trợ khủng từ đối tác của ông.
Gần nửa nhiệm kỳ của bầu Đức ở ghế Phó Chủ tịch phụ trách tài chính tài trợ của VFF đã trôi qua, nhưng ông vẫn chưa đem về bất cứ hợp đồng tài trợ nào cho bóng đá Việt Nam, trong khi để “đánh đổ” HLV Miura nhằm thực hiện mục tiêu HAGL hóa các ĐTQG, bầu Đức lại đem hợp đồng tài trợ ra làm “mồi nhử”, dù trên thực tế đấy là nhiệm vụ chính của ông khi bước vào ngôi nhà VFF.
Hóa ra bầu Đức không phải không có khả năng kéo tài trợ về cho bóng đá Việt Nam, mà vấn đề là ông có thực sự muốn làm điều đó hay không, hoặc nói chính xác hơn là ông có động lực nào đấy để làm như vậy hay không?