Ngày 4/12, bên lề cuộc họp BCH LĐBĐVN (VFF) tại TPHCM, Chủ tịch CLB HA.GL Đoàn Nguyên Đức tuyên bố, ông Toshiya Miura là HLV ngoại “tệ nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam”.
Đây được nhận định là một “đòn” trực diện vào nhà cầm quân người Nhật Bản, vốn đang miệt mài chỉ đạo các cầu thủ U23 Việt Nam tập luyện tại Hà Nội để chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2016, giải đấu Việt Nam gần như không có khả năng cạnh tranh với các đối thủ, cho dù nỗ lực tối đa.
Cùng trong ngày 4/12, xuất hiện thông tin trên nhiều tờ báo dẫn lời bầu Đức cho biết, VFF sẽ nhận được tài trợ “khủng” các đội tuyển nam, nữ và U23 trong 3 năm, nhưng với điều kiện tiên quyết là phải tìm được 1 HLV mới “có tài”. Điều kiện này đồng nghĩa ông Miura phải ra đi sau khi hợp đồng với VFF đáo hạn vào tháng 4/2016 tới.
Khoan bàn đến tính nhạy cảm của thời điểm bầu Đức “tấn công” ông Miura, liệu việc cho rằng HLV người Nhật Bản “tệ nhất trong lịch sử các HLV ngoại” có công bằng? Ở đây chỉ xin nêu một vài trường hợp điển hình.
Ngày 11/3/2004, VFF lần thứ 2 mời HLV Edson Tavares trở lại nắm các đội tuyển Việt Nam. Sau lần đầu tiên khá thành công vào năm 1995, ông Tavares tuyên bố sẽ tạo dấu ấn cá nhân trong lần thứ 2 nắm quyền. Nhưng chỉ 9 tháng sau đó, ông thầy người Brazil từ chức khi Việt Nam để thua Indonesia 0-3 ngay tại Mỹ Đình. Trong 15 trận ông Tavares cầm quân, Việt Nam thắng 6, hòa 2 và thua tới 7 trận.
Trước đó vào năm 2001, sau khi sa thải HLV Dido vì thành tích kém cỏi ở SEA Games, VFF đã ký hợp đồng thời hạn 2 năm với HLV Christian Letard. Đây là bản hợp đồng gây ầm ĩ và tốn kém nhất của VFF khi chỉ sau 5 tháng, Liên đoàn sa thải nhà cầm quân người Pháp. Tháng 9/2002, ông Letard trở về Pháp và đệ đơn kiện VFF lên Tòa án Trọng tài thể thao quốc tế vì ra quyết định sa thải vô căn cứ, với kết quả VFF phải đền bù số tiền lên đến hơn 200.000 USD.
Một loạt các trường hợp khác như HLV Falko Goetz (Đức), HLV Colin Murphy (Anh) cũng có thời gian gắn bó ngắn với Việt Nam trước khi bị cắt hợp đồng. Ông Murphy trong 5 tháng cầm quân ở Việt Nam hồi năm 1997 kịp đưa về chiếc HCĐ SEA Games, trong khi HLV Goetz bị sa thải sau thất bại ở SEA Games 2011.
Nếu so với các trường hợp kể trên, HLV Toshiya Miura trội hơn rất nhiều ở góc độ thành tích: đưa đội tuyển Olympic Việt Nam vào vòng 2 ASIAD 2014 (Incheon, Hàn Quốc), đưa tuyển U23 giành vé tham dự VCK U23 châu Á 2016, HCĐ SEA Games 2015, vào bán kết AFF cup sau 2 mùa giải liên tiếp dừng chân ở vòng bảng. Về thành tích, ông Miura có lẽ chỉ chịu thua HLV H.Calisto và A.Riedl, những người đã gắn bó rất nhiều năm với bóng đá Việt Nam.
Nghiệt ngã ghế HLV đội tuyển
Xét về lối chơi, ngoại trừ HLV H.Calisto, hiếm có ông thầy ngoại nào nhận được đánh giá tích cực từ giới chuyên môn và công luận, đặc biệt sau các thất bại của đội tuyển Việt Nam. Ông Miura hiện bị chỉ trích vì xây dựng lối chơi không thích hợp với cầu thủ Việt Nam, chọn cầu thủ thiên về thể lực.
Điều khá ngạc nhiên là trước đó, cũng chính ông Miura đã được giới chuyên môn trong nước, truyền thông và một bộ phận đông đảo dư luận ca ngợi vì đã giúp các tuyển thủ Việt Nam khắc phục được điểm yếu về thể lực. Olympic Việt Nam từng chơi hừng hực ở ASIAD 2014, trong khi ĐTQG nhận được liên tiếp những lời ca tụng vì màn trình diễn đẹp mắt tại vòng bảng cho đến trận lượt đi ở bán kết AFF cup 2014 trước Malaysia. Cũng sau ASIAD 2014, ông Miura nhận được sự khen ngợi hết lời của bầu Đức.
Ở góc độ chiến thuật, HLV Miura được nhiều HLV ca ngợi là linh hoạt, khéo léo khi đưa Olympic Việt Nam giành vé tham dự VCK U23 châu Á 2016 trong chiến dịch tại vòng bảng diễn ra ở Malaysia tháng 3/2015.
Dưới thời HLV Toshiya Miura, ông đã đưa đội tuyển Olympic Việt Nam vào vòng 2 ASIAD 2014 (Incheon, Hàn Quốc), đưa tuyển U23 giành vé tham dự VCK U23 châu Á 2016, HCĐ SEA Games 2015, vào bán kết AFF cup sau 2 mùa giải liên tiếp dừng chân ở vòng bảng.