Xuống nước là có huy chương
Tại SEA Games 28, BHL đội tuyển bơi lội Việt Nam đã gây sốc khi đăng ký cho Ánh Viên thi đấu 19 nội dung. Theo tiết lộ sau đó của HLV Đặng Anh Tuấn, đây là đòn tung hoả mù đối phương nhằm giúp Ánh Viên có thể đạt thành tích cao nhất. Dù sau đó Ánh Viên được rút xuống đăng ký chỉ 13/19 nội dung thi đấu, nhưng không ít ý kiến vẫn nghi ngờ từng đấy là quá nhiều đối với kình ngư Quân đội.
Thực tế thành tích thi đấu của Ánh Viên tại SEA Games 28 đã xua tan mọi lo ngại. Cô chỉ cắt bớt 1 nội dung duy nhất là 100m ngửa và thi cả 12 nội dung đăng ký còn lại. Và ở 12 nội dung này, Ánh Viên đoạt tới 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ, phá 8 kỷ lục SEA Games! Như vậy, cô gái Cần Thơ gần như giành huy chương ở tất cả các nội dung dự tranh, trong đó 8 là HCV.
Quá trình thi đấu tại SEA Games, Ánh Viên đã khiến giới chuyên môn cũng như người hâm mộ ở Singapore từ bất ngờ đến nể phục và quý mến. Tên tuổi kình ngư Việt Nam thường xuyên xuất hiện trên trang nhất các trang thông tin về SEA Games 28 của nước chủ nhà Singapore. Có những số báo dành nguyên 1 trang để viết về cô và đối thủ nước chủ nhà, kình ngư Tao Li. Sau chiếc HCV thứ 4, khán giả Singapore khi đến nhà thi đấu dưới nước thuộc tổ hợp thể thao Sport-Hub luôn ngóng đợi nội dung có sự tham gia của Ánh Viên. Báo chí khu vực Đông Nam Á và Singapore đã gọi kình ngư Quân đội là “cô gái thép”, và phong danh hiệu “nữ hoàng” bơi lội của Việt Nam. Ngay từ bây giờ, giới chuyên môn Việt Nam đã dự đoán, danh hiệu VĐV xuất sắc toàn quốc 2015 khó thoát khỏi tay Ánh Viên.
Viên ngọc quý Ánh Viên sẽ tiếp tục được đầu tư đặc biệt nhằm hướng tới mục tiêu Olympic. Ảnh VSI
Từ trước SEA Games 2013, ngành thể thao và Quân đội, đơn vị chủ quản của Ánh Viên đã phối hợp đầu tư cho kình ngư Cần Thơ tập huấn tại Mỹ. Tổng số tiền đầu tư cho cô cho đến nay ước tính khoảng 7 tỉ đồng. Theo nhận định của giới chuyên môn, số tiền trên đã “xứng đáng tới từng xu” với kết quả được chứng minh qua thành tích của Ánh Viên ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp.
Theo HLV Đặng Anh Tuấn, một số cự li Ánh Viên thậm chí đã đạt mức huy chương của ASIAD. Thực tế, Ánh Viên chỉ thua Tao Li, VĐV nước chủ nhà Singapore 2 lần đoạt HCV ASIAD ở các cự li ngắn. Ở đấu trường Đông Nam Á, Ánh Viên không có đối thủ ở các cự ly trung bình. Như nhận định của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) với Tiền Phong, Ánh Viên thực sự là viên ngọc quý của thể thao Việt Nam.
Kết thúc SEA Games 28, Ánh Viên đã về Việt Nam, tranh thủ thời gian thăm gia đình, bạn bè và cũng để nghỉ ngơi. Tuy nhiên ngay sau đây, cô sẽ tham dự giải VĐTG và tiếp tục quá trình tập huấn để hướng tới tranh tài ở Olympic Rio de Janeiro (Brazil) năm 2016. Mong ước của kình ngư Quân đội là một ngày nào đấy sẽ tham dự chung kết Olympic. Đây cũng chính là đích ngắm ngành thể thao đang hướng tới. Năm nay mới 19 tuổi, phía trước Ánh Viên còn rất nhiều thời gian để đạt được các mục tiêu cao hơn hẳn đấu trường Đông Nam Á.
Đó là bầu chọn được tờ The New Papers của Singapore đưa ra sau khi SEA Games 28 khép lại. Cùng với Joseph Schooling, kình ngư nước chủ nhà, Ánh Viên là 1 trong 2 VĐV giành nhiều HCV nhất đại hội. Tuy nhiên, thành tích của cô gái vàng Việt Nam được đánh giá cao hơn do đoạt cả 8HCV cá nhân trong khi Schooling chỉ có 6HCV cá nhân và 3HCV đồng đội.