Có 3 chuyện kỳ lạ xung quanh niềm hy vọng lớn nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam có chiều cao 1,9 m này.
Được phát hiện, đào tạo ở “lò” Bình Điền Long An, bên cạnh các đàn chị như ngôi sao số 1 Ngọc Hoa, song Thanh Thúy lại sinh ra ở Bình Dương và có quê gốc là Hà Nam. Rất đặc biệt vì gần như vô danh trên làng bóng chuyền đỉnh cao, Hà Nam lại nơi khởi phát của rất nhiều chủ công xuất chúng, như “oanh tạc cơ” Ngô Văn Kiều, “búa máy” Phạm Thị Yến và tay đập hàng đầu Đỗ Thị Minh. Có lẽ chiều cao cùng năng khiếu bóng chuyền, cụ thể hơn là vị trí chủ công, của Thúy có liên quan đến gen, truyền thống quê hương.
Khi lọt vào mắt xanh của CLB đất Long An, Thanh Thúy mới 13 tuổi nhưng đã cao tới 1,78 m, một mức vượt tất cả các chủ công của ĐTQG khi ấy như Phạm Yến, Bùi Huệ. Cao đến nỗi ban đầu các HLV không thể tin nổi, phải mất công xác minh kỹ lưỡng qua nhiều nguồn để biết chắc Thúy đúng tuổi 13. Họ đã hiểu rằng mình đang có trong tay một “ngọc thô” độc nhất vô nhị. Chỉ sau đúng 5 năm ăn tập, chiều cao của Thúy giờ đã 1,9 m, tức đã tăng tới 12 cm, và đang có xu hướng tiếp tục tăng.
Tuy cao nhất, ở mức vượt trội nhưng Thanh Thúy vẫn chưa phải là tuyển thủ có tầm bật đà và bật chắn cao nhất ở ĐTQG. Dù đã nằm ở nhóm dẫn đầu, Thúy mới bật đà 3,05 m và bật chắn 2,98 m. Đây là những thông số rõ ràng chưa thật tương xứng với một chủ công cao 1,9 m. Tuy nhiên, ở chiều tích cực, nó cũng chứng tỏ Thúy còn có thể nâng cao đáng kể nếu như có các biện pháp rèn tập chuyên biệt.
Với tố chất đặc biệt, độ tuổi, chế độ dinh dưỡng thuốc men tốt cùng cách thức rèn tập, gần như chắc chắn Trần Thị Thanh Thúy sẽ tiếp tục nâng được chiều cao thêm một vài cm nữa trong những năm tới. Rất đáng mừng vì sự tăng trưởng khó tin về chiều cao của cô cũng gắn với bước thăng tiến ngoạn mục về trình độ, chỉ số chuyên môn.